Ký ức về ngày Tết xa xưa của tuổi thơ đâu chỉ có hương bánh mứt cùng nồi bánh tét, thịt kho, kiệu chua mà bọn trẻ trông mong một năm dài mới được thưởng thức.
Riêng tôi, nói về Tết của miền ký ức tuổi thơ, điều háo hức nhất là được mẹ dẫn ra thị xã đón xe tốc hành để về ngoại ngồi tụm năm tụm bảy trước cái tivi trắng đen nho nhỏ xem những thước phim hài Sác-lô và đón cái Tết yên bình mới là trọn vẹn hương vị những ngày xuân.
Xe tốc hành, đó là cách gọi nôm na của cha dành cho tôi khi nói về những chuyến xe đò miền Tây thuở xưa. Trong ký ức của nhiều người, đặc biệt là dân quê, hình ảnh xe đò gợi lại hoài niệm không thể nào quên.
Người dân quê tôi thời xưa, trừ những gia đình khá giả được sở hữu những chiếc “xe con” riêng, còn lại đa số đều di chuyển bằng phương tiện xe đò mỗi dịp đi xa. Nhưng tôi lại thích cách gọi của cha là xe tốc hành vì nghe có vẻ tân tiến hơn hẳn.
Cuộc sống thuở ấy bộn bề những khó khăn vất vả, nên dịp Tết đến năm nào mẹ cũng dành dụm ít tiền để bắt những chiếc xe tốc hành đưa anh em chúng tôi về quê ngoại đón Tết cho đủ ăn, đủ mặc vì có ngoại bao bọc còn gia đình tôi lúc ấy chẳng được đủ đầy.
Khi ấy, những chuyến đi trên xe ám đầy mùi xăng dầu hòa lẫn tiếng kêu của vịt gà inh ỏi tỏa mùi nồng nặc giữa nắng và gió của những hành khách mang lên xe khiến mẹ xanh xao vì cơn buồn nôn. Nhưng với tôi, xe tốc hành lại gắn với những chuyến du hành đầy thú vị. Tôi còn nài nỉ mẹ mua cho ổ bánh mì không nóng giòn được người bán đựng trong cái cần xé mỗi khi xe ghé chuyến.
Trẻ con như tôi thuở ấy ít được đi những chuyến xe như thế, trừ những lần về quê ngoại mỗi dịp Tết đến. Được ngồi trên xe nhìn ngắm phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài hai bên đường, nên tôi thích luôn cả mùi xăng oi nồng của những chuyến xe, lẫn mùi khói phả ra đen xì từ ống khói, rồi coi đó là những chuyến đi đầy háo hức và tràn đầy niềm vui.
Về đến quê ngoại, mùi mứt dừa, bánh tét đã được cơn gió chướng đưa tận vào sống mũi từ trong chái bếp lá ám đầy khói. Chiều 30 Tết, tôi thay bộ đồ còn vương mùi vải mới cùng anh em họ hàng ngồi trên bộ ván trước nhà hân hoan xem những thước phim hài Sác-lô.
Thuở ấy, hình ảnh một ông Tây nhí nhố với bộ ria mép nhỏ, đầu đội chiếc mũ quả dưa, tay cầm gậy, mặc bộ vest với chiếc áo bó sát, quần rộng thùng thình, đôi chân quát rộng, di chuyển thoăn thoắt thật lạ lẫm và vô cùng phấn khích đối với bọn trẻ miền quê như tôi.
Chỉ khi về ngoại tôi mới được xem những thước phim mê hoặc ấy từ chiếc tivi trắng đen nhỏ gọn. Gia đình tôi đâu có điều kiện sắm sửa chiếc tivi để giải trí khi cơm còn bữa no bữa đói. Mà thuở ấy, chỉ dịp Tết trong chương trình mừng xuân mới được nhà đài chọn lọc phát những bộ phim hài, những truyện cổ tích hấp dẫn cho người xem giải trí qua mấy ngày Tết. Điều đó luôn làm bọn trẻ chúng tôi nôn nao háo hức chờ đón Tết về.
Chiều 30 Tết, trong căn nhà ba gian của ngoại, cháu con sum họp đủ đầy, quây quần cùng nhau xem những thước phim hài cười vang rộn rã thay những tràng pháo chào đón năm mới tươi vui, hạnh phúc. Ngoại ngồi trên chiếc võng cạnh cậu và mẹ cùng mấy dì, mợ, rồi thưởng thức từng ngụm trà thoảng hương thơm, nhâm nhi bánh mứt. Không khí ấy giản đơn nhưng ngập tràn sắc xuân tươi mới.
Thời gian cứ thấm thoát trôi qua, ngoại tôi cũng đã như buồng cau già rơi rụng về với đất mẹ. Quê ngoại giờ đây cũng chỉ còn là lối để về trong khoảng vắng. Những chiếc xe tốc hành ám đầy mùi xăng dầu có cả mùi ngai ngái của gà vịt cùng tiếng lạp cạp inh ỏi cũng chỉ còn lại trong miền ký ức năm nào. Và cha tôi cũng đã đi mãi xa theo những chuyến xe đong đầy kỷ niệm.
Một đêm trằn trọc không ngủ, từng ngọn gió chướng thổi mạnh khiến nhành cây cọ cành vào nhau kêu vang ken két. Gió chướng gọi mùa Tết lại về, trong cái thao thức giữa đêm khuya chợt thèm câu dỗ dành của cha về những cái Tết thuở nào “ngủ sớm để mai đi xe tốc hành xem hài Sác-lô!”.