Năm 2022, Vương quốc Anh tổ chức Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. (Nguồn: Getty) |
Lên ngôi vào năm 25 tuổi, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã được 14 Thủ tướng Anh phục vụ và gặp gỡ 13 Tổng thống Mỹ. Bà đã chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, từ việc Đế quốc Anh bị thu hẹp và sau đó là sự kiện Brexit.
Cho dù phải đối mặt với không ít khó khăn, bất ổn trong nước, những mâu thuẫn bên trong gia đình Hoàng gia, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn vững vàng và trở thành biểu tượng cho sự bất khuất của Vương quốc Anh.
Năm 2022 đánh dấu 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Hiện ở tuổi 96, Nữ hoàng đã lập nhiều kỷ lục trong suốt thời kỳ trị vì của mình. Bà là nguyên thủ quốc gia đương nhiệm lâu đời nhất và là quân vương trị vì lâu nhất của Anh.
Kỷ lục trước đó là do Nữ hoàng Victoria nắm giữ với 63 năm bảy tháng hai ngày trị vì, tính đến năm 1901. Trên thế giới, chỉ có hai vị vua có khoảng thời gian trị vì lâu hơn Nữ hoàng Anh Elizabeth II là Vua Louis XIV của Pháp, người giữ ngai vàng trong hơn 72 năm từ 1643-1715 và Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, với khoảng thời gian nắm quyền là 70 năm bốn tháng cho đến khi băng hà hồi tháng 10/2016.
Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người trị vì và lãnh đạo nhà nước cao tuổi nhất trên thế giới hiện nay. Hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc quan trọng của Nữ hoàng Anh trong suốt 70 năm trên ngai vàng.
Lễ đăng quang lịch sử
Nữ hoàng Elizabeth II sinh ngày 21/4/1926 tại London, Anh, là con gái đầu lòng của Thái tử Albert (tức Vua George VI) và công nương Elizabeth Bowes - Lyon. Khi còn nhỏ, Công chúa Elizabeth và em gái Margart Rose đều được học tại nhà. Trong năm cuối cùng của Thế chiến II, công chúa Elizabeth - khi đó 19 tuổi - tham gia Lực lượng Hỗ trợ mặt đất (ATS).
Vào ngày 20/11/1947, ở tuổi 21, Công chúa làm đám cưới với Hoàng tử Philip của Hy Lạp tại nhà thờ Westminster Abbey. Đây là mối tình thuần khiết trong giới vương giả và được ngưỡng mộ tới ngày nay. Vì tình yêu, Hoàng tử Philip từ bỏ danh vị ở quê nhà để trở thành Hoàng thân nước Anh. Cuộc hôn nhân của bà kéo dài 73 năm, một kỷ lục đối với người đứng đầu hoàng gia Anh.
Cùng năm, Công chúa Elizabeth đã có chuyến thăm Nam Phi, thời điểm đó còn là một phần của đế quốc Anh. Tại đây, Công chúa đã có bài phát biểu quan trọng trước công chúng: “Tôi tuyên bố trước tất cả các bạn rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành để cống hiến để phục vụ các bạn và gia đình Hoàng gia vĩ đại mà tất cả chúng ta cùng thuộc về”.
Tháng 1/1952, khi đang lưu trú tại Kenya, Công chúa nghe tin cha mình là Vua George VI qua đời vì ung thư phổi. Bà lập tức quay trở về London để tiếp quản cương vị Nữ hoàng. Tháng 6/1953, lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II được tổ chức, khi đó bà mới 27 tuổi. Đây cũng là lễ đăng quang đầu tiên trong lịch sử Vương quốc Anh được phát trực tiếp trên truyền hình và được hàng triệu người tại Anh và trên thế giới theo dõi trực tiếp.
“Mặc dù tôi có ít kinh nghiệm và nhiệm vụ còn quá mới mẻ, nhưng tôi có thể noi theo tấm gương của cha mẹ và ông bà một cách chắc chắn và tự tin”, Nữ hoàng Elizabeth II phát biểu trong lễ đăng quang của mình.
Các thành viên gia đình Hoàng gia Anh theo dõi màn biểu diễn của máy bay phản lực từ ban công Cung điện Buckingham trong cuộc diễu hành Trooping the Colour nhân Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II ở London, ngày 2/6. (Nguồn: AP) |
Những thăng trầm
Trong hơn một thập kỷ đầu tiên nắm quyền, Nữ hoàng Anh luôn giữ lịch trình bận rộn với các chuyến thăm ngoại giao, góp phần tăng cường quan hệ giữa Anh và các nước trên thế giới và các nước trong Khối Thịnh vượng chung.
Năm 1957, Nữ hoàng Anh đã có chuyến thăm Mỹ đầu tiên và gặp Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower để đánh dấu kỷ niệm 350 năm người Anh định cư lâu dài tại Jamestown (Virginia). Bên cạnh đó, Nữ hoàng Elizabeth cũng đã dành tới 10 ngày để đến Tây Đức vào năm 1965, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của thành viên Hoàng gia Anh tới quốc gia này kể từ năm 1913. Chuyến thăm của Nữ hoàng Anh còn đánh dấu 20 năm kết thúc Thế chiến II, tượng trưng cho sự hòa giải giữa hai nước.
Tháng 10/1966, Nữ hoàng Anh cùng chồng tới thăm Aberfa, miền Nam xứ Wales, sau thảm họa sạt lở khiến 116 trẻ nhỏ và 28 người lớn thiệt mạng. Nữ hoàng đã hoãn chuyến thăm tới Aberfa một tuần vì lo ngại sự hiện diện của bản thân sẽ cản trở nỗ lực tìm kiếm, giải cứu nạn nhân khi đó.
Trong chuyến công du tới Australia và New Zealand năm 1970, Nữ hoàng Anh đã phá vỡ truyền thống Hoàng gia hàng thế kỷ khi quyết định đi dạo giữa đám đông người dân thay vì vẫy tay chào mọi người từ khoảng cách xa. Cách chào hỏi gần gũi này của Nữ hoàng sau đó đã trở thành thông lệ cho các thành viên Hoàng gia Anh khi dự sự kiện trong và ngoài nước.
Năm 1982, Nữ hoàng Anh lần đầu tiên đến thăm chính thức Trung Quốc và cũng là vị quân vương đầu tiên của Anh tới quốc gia này. Chuyến đi được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Anh khi nước này chuẩn bị trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc.
Nữ hoàng Elizabeth II giữ một kỷ lục về các chuyến thăm trên toàn cầu. Kể từ năm 1952, bà đã tới hơn 100 quốc gia, cũng như thực hiện hơn 150 chuyến thăm đến các nước trong Khối Thịnh vượng chung.
Canada là điểm đến nhiều nhất trong sự nghiệp của Nữ hoàng, với 22 lần. Tại châu Âu, Pháp là quốc gia bà tới thăm nhiều nhất với 13 lần. Telegraph ước tính tổng chiều dài các chuyến đi của Nữ hoàng tương đương 42 lần vòng quanh thế giới.
Chuyến công du nước ngoài dài nhất của bà kéo dài 168 ngày từ tháng 11/1953 tới tháng 5/1954, tới tổng cộng 13 quốc gia. Đến tháng 11/2015, ở tuổi 89, bà mới dừng các chuyến công du nước ngoài.
Một trong những giai đoạn thăng trầm nhất trong cuộc đời của Nữ hoàng bắt đầu với đám cưới cổ tích của con trai cả và người thừa kế của bà, Thái tử Charles, với Công nương Diana Spencer vào ngày 29/7/1981.
Mặc dù Công nương Diana được người dân Anh vô cùng yêu mến, nhưng cặp đôi này đã có một cuộc hôn nhân đầy chông gai. Năm 1992, Thái tử Charles và Công nương Diana ly hôn. Nữ hoàng Elizabeth cũng gọi năm 1992 là “annus horribilis” (tức “năm thảm khốc” trong tiếng Latinh), vì cùng năm, hai người con khác của bà là Hoàng tử Andrew và Công chúa Anne cũng đều gặp vấn đề trong hôn nhân, cùng với đó là vụ hỏa hoạn tại lâu đài Windsor.
Năm 2021, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đối mặt một năm đầy thử thách với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, mối lo về sức khỏe và sự ra đi của Hoàng thân Philip. Nữ hoàng được cho là phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn sau khi người chồng gắn bó hơn 70 năm qua đời.
Năm 2022, Vương quốc Anh tổ chức Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, với các màn diễu hành hoành tráng và những bữa tiệc trên đường phố. Đây nhiều khả năng là Đại lễ Bạch kim đầu tiên và duy nhất của Anh.
Đại lễ có một không hai Để kỷ niệm sự kiện 70 năm trị vì và vinh danh những đóng góp của Nữ hoàng, Đại lễ Bạch kim (Platinum Jubilee) được tổ chức từ ngày 2-5/6 trong sự mong đợi của người dân trên thế giới, đặc biệt tại Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung. Với 200.000 sự kiện địa phương và tiệc đường phố, Đại lễ Bạch kim được mở màn bằng lễ diễu hành của quân đội Hoàng gia Anh (Trooping the Colour) ở thủ đô London vào sáng 2/6, là nghi lễ hằng năm kỷ niệm sinh nhật vị quân vương nước Anh. Buổi lễ có sự góp mặt của các thành viên Hoàng gia diễu hành trên lưng ngựa và xe ngựa. Kết thúc lễ diễu hành là màn bay biểu diễn của Không quân Hoàng gia Anh dưới sự chứng kiến của các thành viên Hoàng gia từ ban công Điện Buckingham. Các sự kiện chính thức khác của Đại lễ gồm lễ tạ ơn tại nhà thờ St Paul ở London vào ngày 3/6 và bữa tiệc Bạch kim tại Cung điện do Nữ hoàng chủ trì. Vào ngày cuối cùng của Đại lễ là màn trình diễn Đại lễ Bạch kim với sự tham gia của hơn 10.000 người, biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thể thao, hóa trang nhằm tái lhiện các dẫu mốc quan trọng trong 70 năm trị vì của Nữ hoàng. Cùng ngày, bữa trưa lớn mừng Đại lễ Bạch kim được tổ chức trên toàn quốc, với hơn 60.000 người đăng ký tham dự. Trên toàn Khối thịnh vượng chung và phần còn lại của thế giới, hơn 600 bữa trưa lớn cũng được tổ chức tại hơn 80 quốc gia, trải dài trên nhiều châu lục. |