Nhiều quốc gia xem game như một trụ cột phát triển kinh tế số

11/07/2023 14:28

Ngành game được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số, vì những lợi ích mà nó mang lại không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến sự phát triển các ngành khác.

Thị trường game Việt tiềm năng nhưng doanh thu vẫn nhỏ

Theo ước tính từ công ty phân tích số liệu Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Top 5 các thị trường có doanh thu ngành game cao nhất thế giới chủ yếu là các nước công nghệ phát triển như Trung Quốc (45 tỷ USD), Mỹ (45 tỷ USD), Nhật (20 tỷ USD), Hàn Quốc (8 tỷ USD) và Đức (6,7 tỷ USD).

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cho hay, nhiều quốc gia phát triển xem nó như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số. Hoạt động của ngành game sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các sản phẩm bổ trợ khác, có thể chia làm các loại là nhân lực ngành công nghệ thông tin, sáng tạo nội dung, thiết bị phần cứng và truy cập Internet.

“Ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong công nghiệp số. Các công ty trong ngành luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ, phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng. Một ví dụ điển hình là game cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cho hay, nhiều quốc gia phát triển xem ngành game như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số.

Theo phân tích của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng Internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8,2% mỗi năm. Chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%.

Doanh thu dự kiến từ ngành game ở thị trường Việt Nam năm 2022 là 0,8 tỷ USD. Nhưng Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1.8 tỷ USD), Thailand (1 tỷ USD), Malaysia (0.9 tỷ USD) và Philippines (0,85 tỷ USD). Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9% 1 năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn, Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

“Tuy vậy, trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Bình luận về vấn đề này, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames cho biết, trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số . Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022 trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game.

Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Và vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Theo ông Lã Xuân Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt tỷ trọng 30% GDP. Bộ TT&TT cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển trò chơi điện tử trên mạng, giai đoạn 2022-2027.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames cho biết, ở nhiều nước, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới.

Bộ TT&TT muốn có những chính sách ưu đãi về thuế cho game

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), ngành game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0.

“Ngành game ở đây không phải là ngành chơi game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành game là hệ sinh thái sản xuất game, phát hành game và các hoạt động liên quan đến game. Ở nhiều nước, game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Tại Việt Nam, ngành game còn rất non trẻ, giá trị doanh thu vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 600 triệu USD. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành này thay vì thu nhiều hơn.

Theo ông Lê Quang Tự Do, thực tế có muốn cũng không thể thu nhiều hơn được, bởi nếu tăng thuế hay có biện pháp siết chặt, các công ty game rất dễ chuyển hoạt động sang nước ngoài. Sau đó, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cung cấp sản phẩm xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi đó, việc ngăn chặn game lậu, xuyên biên giới còn rất khó khăn do tính “phẳng”, không biên giới của Internet.

Cục trưởng PTTH&TTĐT khẳng định, Bộ TT&TT rất quan tâm và muốn phát triển ngành game, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành game Việt Nam.

Đại diện Liên minh game cũng đưa ra thông điệp rằng, thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển nhưng doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Liên minh này đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhieu-quoc-gia-xem-game-nhu-mot-tru-cot-phat-trien-kinh-te-so-2164011.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nhieu-quoc-gia-xem-game-nhu-mot-tru-cot-phat-trien-kinh-te-so-2164011.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quốc gia xem game như một trụ cột phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO