Nhiều người Anh buộc phải ‘tá túc’ ở McDonald’s vì giá cả tăng vọt

19/05/2022 09:34

Theo Guardian, giá điện tăng đã buộc nhiều gia đình Anh phải “sử dụng” các nhà hàng thức ăn nhanh làm nhà bếp, phòng tắm và phòng khách.

“Mọi người mua cho con cái họ một bữa ăn với giá vài pound và hâm nóng bên trong cửa hàng McDonald’s. Sau đó, họ tắm rửa, đánh răng trong bồn rửa và xem truyền hình hàng giờ qua Wi-Fi miễn phí”, đại diện một ngân hàng giấu tên cho biết.

Theo đó, cuộc sống của người Anh đang trở nên trầm trọng hơn do lạm phát hoành hành.

“Các bậc cha mẹ hãy đưa con cái đến các trung tâm giải trí để vệ sinh cá nhân”, người này chia sẻ.

Nhiều người Anh buộc phải ‘tá túc’ ở McDonald’s vì giá cả tăng vọt
Nhiều người Anh buộc phải ‘tá túc’ ở McDonald’s vì giá cả tăng vọt. (Ảnh: RIA)

Đại diện ngân hàng trên nhấn mạnh, nhóm của họ đã cố gắng thuyết phục người dân không đốt đồ đạc hoặc pallet gỗ để giữ ấm, vì sợ mọi người sẽ phóng hỏa gây cháy nhà.

Đầu tháng 5, Hiệp hội Bán lẻ Vương quốc Anh (BRC) công bố số liệu cho thấy, nước này đang đối mặt với tình trạng “bão giá”, khi giá cả các mặt hàng trong tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tỷ lệ lạm phát lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2011.

Theo BRC, lạm phát phi thực phẩm trong tháng 4 đã tăng 2,2% - mức cao nhất kể từ khi Anh bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2006. Trong khi đó, lạm phát thực phẩm tăng 3,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2013.

Giám đốc điều hành BRC, bà Helen Dickinson, cho biết nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng tại Anh tăng “phi mã” là do tác động của giá năng lượng tăng và cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà Dickinson cho hay, giá thực phẩm toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, tăng tới 13% riêng trong tháng 4, thậm chí giá dầu ăn và ngũ cốc còn cao hơn.

Theo Reuters, lạm phát ở Anh đã tăng lên mức chưa từng thấy trong năm qua, tương tự hầu hết các nền kinh tế phát triển khác khi giá năng lượng tăng và thách thức về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Mặc dù Chính phủ Anh đã thông báo giảm thuế nhiên liệu 0,05 bảng Anh/lít trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 24/3, nhằm giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình, nhưng lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, chi phí vận tải ghi nhận mức tăng lớn nhất (13,4%), tiếp theo là đồ nội thất và dịch vụ gia đình (10,3%), quần áo và giày dép (9,8%), nhà ở và tiện ích (7,7%), thực phẩm và đồ uống không cồn (5,9%).

Giá cả tăng cao đang gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân, nhất là lao động nghèo. Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, mức tăng lương trung bình thời gian qua không theo kịp tốc độ lạm phát.

Do đó, Chính phủ Anh đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 9,1 tỉ bảng Anh giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát tăng cao sẽ vẫn làm giảm thu nhập của các hộ gia đình mạnh hơn mức dự kiến. Theo đó, thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ giảm 2,5% trong năm 2022 và không tăng trong năm 2023.

Trước đó, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm vào khoảng 8,7% trong quý IV/2022.

Thanh Bình (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nhieu-nguoi-anh-buoc-phai-ta-tuc-o-mcdonald-s-vi-gia-ca-tang-vot-411234.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nhieu-nguoi-anh-buoc-phai-ta-tuc-o-mcdonald-s-vi-gia-ca-tang-vot-411234.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người Anh buộc phải ‘tá túc’ ở McDonald’s vì giá cả tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO