Sáng 8/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn liên quan đến các bị cáo ở công ty thẩm định giá. Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Theo lời khai của bị cáo Trần Văn Nhị (nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC), do quen biết từ trước nên bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá để thẩm định giá tài sản cho Ngân hàng SCB.
Cũng theo lời khai của Nhị, năm 2020, bị cáo Dung liên hệ với bị cáo yêu cầu thỏa thuận với bị cáo Trần Thị Kim Ngân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú) để phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản. Ngân đã đồng ý.
Đối với tài sản thẩm định giá là Dự án khu công viên Mũi đèn đỏ và khu nhà ở đô thị tại quận 7 (TP.HCM), bị cáo Dung yêu cầu bị cáo gửi báo cáo định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá SVVN Việt Nam cho Ngân và đề nghị thực hiện thẩm định giá, ban hành chứng thư với giá dựa trên báo cáo này.
Đối với tài sản thẩm định giá là quyền sử dụng đất tại Dự án 100 Hùng Vương (Quận 5, TP.HCM), Dung yêu cầu thẩm định giá theo thông số không đúng quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt.
Trình bày tại tòa, bị cáo Nhị tỏ ra ăn năn với hành vi của mình. “Bị cáo đã tác động với gia đình để khắc phục hậu quả. Bị cáo là lao động chính của gia đình, phải lo cho hai con nhỏ, mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm trở về”, bị cáo Nhị nói.
Bị cáo Trần Thị Kim Ngân khai, được bị cáo Nhị rủ hợp tác làm việc. Sau đó, bị cáo Nhị đưa 7-8 bộ hồ sơ, trong đó có hồ sơ của Dự án công viên Mũi đèn đỏ và Dự án 100 Hùng Vương.
Ngân khai, mới nhận 300 triệu tạm ứng từ bị cáo Nhị. Sau đó, bị cáo Ngân cho tiến hành thẩm định giá trị của Dự án khu công viên Mũi đèn đỏ và khu nhà ở đô thị tại quận 7 là hơn 151 nghìn tỷ đồng; Dự án 100 Hùng Vương hơn 4.400 tỷ đồng.
Ngân hàng SCB dùng 2 chứng thư trên để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 105.000 tỷ đồng.
Các bị cáo Hồ Bình Minh (Phó giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD), Lê Huy Khánh (Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá Tầm nhìn mới), Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và dịch vụ bất động sản DATC) và bị cáo Lê Kiều Trang (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá EXIM), cũng không tuân thủ đúng các quy trình, quy định về định giá. Các tài sản chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB, phát hành chứng thư không theo quy định pháp luật.
Việc làm này đã giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay các công ty “ma” của bà này.
Giải thích cho hành vi phạm tội, các bị cáo đổ lỗi do khó khăn vì vừa dịch bệnh, muốn kiếm thêm thu nhập cho công ty nên mới “làm liều”.
Bị cáo Phạm Thu Phong (Trưởng ban kiểm soát SCB) khai, kiểm toán nội bộ không tiếp cận được hồ sơ nên không đánh giá được sai phạm, các bộ phận không chịu hợp tác. Vì vậy, bị cáo thấy môi trường kiểm soát không thực hiện được nên từ năm cuối 2016, bị cáo muốn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, do nhiều người xin nghỉ nên bị cáo ở lại thêm một năm.
Cũng theo lời khai của bị cáo Phong, sau này, khi bị cáo nghỉ việc, bà Trương Mỹ Lan đã ngỏ ý hỗ trợ tài chính, vì bị cáo gắn bó lâu năm và làm việc căng thẳng. “Bị cáo nói với chị Lan, em không có nhu cầu cần thiết tới như vậy. Khi đang ở nhà, chị Lan cho tài xế gửi 20 tỷ đồng cho bị cáo”.
Hiện, bị cáo đã nộp lại số tiền 20 tỷ đồng này để khắc phục hậu quả.