Nhân vật bỏ trốn trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’

19/04/2023 18:15
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Trong vụ "chuyến bay giải cứu", Trần Thị Hà Liên bị khởi tố về tội môi giới hối lộ. Trước khi bỏ trốn, người này đã chuyển khoản nhiều tỷ đồng tiền hối lộ cho cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu", VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, Trần Thị Hà Liên bị khởi tố về tội Môi giới hối lộ theo Điều 365 Bộ luật Hình sự. Do bị can bỏ trốn chưa bắt được, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và tách vụ án để điều tra, xử lý sau.

Theo cáo buộc, từ tháng 9/2020 - 1/2022, ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng và 27.000 USD.

Ngày 19/4/2021, ông Kiên đã nhận qua chuyển khoản 4 lần, tổng số tiền 1 tỷ đồng của Trần Thị Hà Liên để giúp doanh nghiệp của Liên được chấp thuận cấp phép các chuyến bay.

Sau khi vụ án được khởi tố, ông Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng và đã được nộp lại Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Liên quan đến hành vi nhận hối lộ xảy tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cáo trạng thể hiện, Cục Quản lý xuất nhập cảnh được Bộ Công an giao nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét, đề xuất cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thời điểm đó, bị can Vũ Sỹ Cường (cán bộ Phòng Tham mưu, thành viên Tổ tham mưu) được phân công nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình bị can Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu) ký nháy trình ông Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao để cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp. Ông Dự còn duyệt ký giấy miễn thị thực cho một số khách về nước.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bị can đã có hành vi nhận hối lộ. Cụ thể, vào tháng 6/2021, Tuấn, Cường đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa tiền để đề xuất cấp phép các chuyến bay nhưng không báo cáo ông Dự.

Tuấn liên hệ, thỏa thuận với đại diện các doanh nghiệp tham gia chuyến bay và yêu cầu phải chi từ 50- 200 triệu đồng/chuyến bay, hoặc từ 500 - 1,5 tỷ đồng/khách.

Bị cáo Tuấn đã chỉ đạo Cường nhận tiền, tham mưu đề xuất văn bản cấp phép các chuyến bay và chia nhau tiền đã nhận của 3 đại diện doanh nghiệp.

Tháng 11/2021, Vũ Sỹ Cường được Trần Thị Hà Liên đặt vấn đề, nhờ xin cấp phép 4 chuyến bay combo cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Skyone (Công ty Skyone) đưa khoảng 700 khách về nước.

Hà Liên đã thỏa thuận với Cường về chi phí xin xét duyệt, cấp phép chuyến bay là 7 triệu đồng/1 khách.

Sau đó, Cường đã liên hệ, đặt vấn đề nhờ Lê Thị Ngọc Anh, nhân viên Vụ Lễ tân, Văn phòng Trung ương Đảng giúp với thỏa thuận chi phí là 300 triệu đồng/1 chuyến bay.

Thực hiện thỏa thuận, Liên đã chuyển vào tài khoản của Cường hơn 4,5 tỷ đồng (tương ứng với 7 triệu đồng/khách). Cường đã đưa cho Ngọc Anh 1,2 tỷ đồng, chiếm hưởng hơn 3,3 tỷ đồng nhưng không báo cáo Trần Văn Dự và Vũ Anh Tuấn.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tran-thi-ha-lien-nhan-vat-bo-tron-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-2134380.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tran-thi-ha-lien-nhan-vat-bo-tron-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-2134380.html
Bài liên quan
  • Từ những ‘chuyến bay giải cứu’ nghĩ về quản trị công
    Để bảo vệ được lợi ích Công khi có sự tham gia của các chủ thể tư nhân thì cần tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy định, bảo đảm sự rõ ràng, công khai, minh bạch, cũng như khả năng giám sát chặt chẽ, sớm phát hiện những biểu hiện tiêu cực.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhân vật bỏ trốn trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO