Nhà thuốc câu kết "cò mồi" lập ma trận: Bán sai đơn, lừa dối khách hàng

Nhóm Phóng viên| 06/05/2022 12:20

Mặc dù chế tài xử phạt đã được Bộ Y tế quy định rất rõ, thế nhưng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Y Tế Hà Nội dường như lơ là việc thanh kiểm tra, xử lý sai phạm - mặc cho Nhà thuốc số 09 Bạch Mai (số 193 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội) mua, bán thuốc sai quy định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khoẻ, khiến người bệnh hoang mang.

Nhà thuốc câu kết
“Cò” thuốc ở BV Bạch Mai: Chiêu “thổi giá” gấp 6 lần của nhà thuốc.

Mua thuốc giảm sa sút trí tuệ, lại bán thuốc chống loạn thần

Như Báo Lao Động phản ánh trong loạt bài trước, Nhà thuốc số 09 Bạch Mai (193 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), không chỉ diễn ra hoạt động "xe ôm" kiêm "cò" thuốc lộng hành, chèo kéo khách với chiêu bài "đánh lận con đen", mà còn bán hàng nâng giá, bán sai đơn thuốc.

Trong vai người có nhu cầu đi mua thuốc, chúng tôi ghé vào hiệu thuốc này, hỏi mua thuốc Hania (Donepezil HCL 10mg - thuốc điều trị chống sa sút trí tuệ) theo đơn thuốc do bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai kê.

Tuy nhiên, nhân viên bán thuốc tại Nhà thuốc 09 Bạch Mai lại bán cho chúng tôi thuốc Olavex 10 (Olanzapine Tablets USP 10mg). Nữ nhân viên này khẳng định: "Thuốc Olavex 10 và thuốc Hania (Donepezil HCL 10mg) cùng thành phần, cùng hoạt chất, cùng công ty sản xuất, chỉ khác là lô trước và lô sau".

Kiểm tra lại các thông tin trên vỏ thuốc và tham vấn ý kiến của bác sĩ kê đơn, chúng tôi phát hiện hai loại thuốc này hoàn toàn khác nhau về biệt dược, thành phần, cũng như công dụng.

Theo bác sĩ kê đơn, Hania (Donepezil HCL 10mg) là thuốc điều trị sa sút trí tuệ, chữa bệnh suy giảm nhận thức do căn nguyên mạch máu, còn thuốc Olavex 10 (Olanzapine Tablets USP 10mg) là thuốc chống loạn thần. "Hai thuốc này hoàn toàn khác nhau, bệnh nhân không được uống, phải mua đúng thuốc mới khỏi bệnh", bác sĩ kê đơn cho hay.

 
Loại thuốc nhà thuốc số 9 Bạch Mai bán và thuốc bác sĩ kê đơn hoàn toàn khác nhau.

Không chỉ bán sai loại thuốc, để "nuôi" đội ngũ "cò mồi" đông đảo, lên tới hàng chục người, Nhà thuốc 09 Bạch Mai đã bán ra các đơn thuốc với mức giá gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần mức giá thị trường, được bán tại các nhà thuốc lớn. 

Khi phóng viên đưa đơn thuốc Biotin hàm lượng 10mg, thế nhưng, nhà thuốc này tự ý bán cho chúng tôi thuốc Biotin hàm lượng 5mg của Công ty Cổ phần dược Trung ương Mediplantex (số lượng thuốc giữ nguyên, hàm lượng thuốc giảm một nửa so với đơn thuốc - PV) với giá 120.000 đồng/30 viên, thậm chí trước đó còn bán với giá 180.000 đồng/30 viên; trong khi vẫn loại thuốc này, giá niêm yết tại các chuỗi nhà thuốc lớn khác ở Hà Nội chỉ dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/hộp 20 viên (30 viên có giá từ 21.000 - 24.000 đồng).

 
 Bà Đặng Thị Thơ bán thuốc Biotin (hàm lượng 5mg) với giá 120.000 đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình ghi nhận, chúng tôi đề nghị nhà thuốc xuất hoá đơn đỏ, hoặc hoá đơn bán lẻ khi mua thuốc. Song, người bán thuốc cho tôi là dược sĩ Đặng Thị Thơ (chủ hiệu thuốc) nói rằng: "Không có hoá đơn bán hàng, những người khác mua thuốc tiền triệu còn không đòi hoá đơn, đây mua có hơn trăm nghìn đồng "đòi" hoá đơn gì?".

Khi chúng tôi mang thuốc Biotin (hàm lượng 5mg) vừa mua tại Nhà thuốc số 09 Bạch Mai đến một hiệu thuốc tư nhân trên phố Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tại đây, dược sĩ Nguyễn Thuỳ Linh cho rằng, thuốc Biotin hàm lượng 5mg giá rất rẻ, chỉ 14.000 đồng mỗi hộp (21.000 đồng/30 viên). Như vậy, nhà thuốc số 09 Bạch Mai bán 120.000 đồng - 180.000 đồng/30 viên Biotin là quá cao, gấp từ 6 - 9 lần giá thị trường. 

Bên cạnh đó, theo dược sĩ Linh, việc Nhà thuốc số 09 Bạch Mai tự ý thay đổi hàm lượng thuốc Biotin, từ 10mg xuống còn 5mg, nhưng không thông báo cho khách hàng, hoặc khách hàng mua thuốc Hania (Donepezil HCL 10mg) nhưng lại bán thuốc Olavex 10 (Olanzapine Tablets USP 10mg), như vậy là bán sai đơn thuốc, ảnh hưởng đến sức khoẻ và quá trình điều trị của người bệnh. Thông thường, khi dược sĩ muốn đổi đơn thuốc của khách hàng, thì phải hỏi khách hàng, được sự đồng ý, mới được phép đổi.

"Có những loại thuốc có thể thay thế được nhưng phải đúng biệt dược, hàm lượng, công dụng, tên thuốc thì mới được phép thay thế. Nếu không đúng, thì không được phép thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.

Bán thuốc phải đặt cái tâm, sức khoẻ của người bệnh lên hàng đầu. Không để vì "chạy doanh số bán hàng" mà bán giá "chặt chém", cao hơn so với giá niêm yết của Bộ Y tế; dược sĩ phải bán thuốc đúng đơn thuốc, không được tự ý đổi đơn, những hành vi đổi đơn, bán sai hàm lượng đều vi phạm đạo đức, lương tâm nghề nghiệp", dược sĩ Nguyễn Thuỳ Linh cho hay.

Hành vi sai trái của Nhà thuốc số 09 Bạch Mai

Trao đổi với Lao Động, TS-bác sĩ Vũ Quốc Đạt (Đại học Y Hà Nội) cho biết, hiện việc quản lý kinh doanh thuốc được quản lý bởi cấp gần nhất là cán bộ chuyên trách (xã), Phòng y tế (huyện) và Sở Y tế (tỉnh, thành phố). Một quầy thuốc, nhà thuốc mở ra chắc phải bị kiểm soát về điều kiện kinh doanh và chất lượng thuốc. Nếu nhà thuốc bán sai đơn, hoặc nâng giá thuốc cao hơn so với quy định, chắc chắn bị xử phạt theo các quy định của pháp luật.

Nói về tình trạng "cò" kết hợp Nhà thuốc số 09 Bạch Mai để chèo kéo khách, bác sĩ Đạt cho biết, hành vi này rất đáng lên án. Bởi đây không phải hiện tượng hiếm gặp, nhất là ở một số địa bàn gần các bệnh viện lớn - nơi có số lượng bệnh nhân đông, nhu cầu mua thuốc cao.

"Các "cò" thuốc thường mồi chài, câu kéo khách hàng là những người dễ bị xao động như bệnh nhân ngoại tỉnh, không quen thuộc địa hình thành phố, hoặc là người già và phụ nữ", bác sĩ Đạt cho hay.

 
 Nhiều bệnh nhân bị "cò mồi" dụ dỗ tới mua thuốc tại Nhà thuốc số 9 Bạch Mai (Số 193 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội).

Theo bác sĩ Đạt, đối với mỗi bệnh lý, sẽ có những biệt dược điều trị riêng. Việc dược sĩ tự ý thay đổi thuốc, có thể hiểu rằng, dược sĩ này đã tự thay đổi dược chất của thuốc đó. Việc này, có thể khiến quá trình điều trị không hiệu quả. Thậm chí, khi bệnh nhân điều trị không đúng, đối với bệnh nặng và phức tạp như bệnh nhiễm trùng, trường hợp xấu, có thể dẫn tới tử vong.

"Việc bán thuốc không đúng đơn là hành vi sai trái, không có lý do gì để bao biện. Việc này, đầu tiên ảnh hưởng đến chính sức khoẻ, tiền bạc của người bệnh. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bệnh viện, bác sĩ kê đơn và đến ngành y, dược", ông Đạt cho hay.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/nha-thuoc-cau-ket-co-moi-lap-ma-tran-ban-sai-don-lua-doi-khach-hang-1037172.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/nha-thuoc-cau-ket-co-moi-lap-ma-tran-ban-sai-don-lua-doi-khach-hang-1037172.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà thuốc câu kết "cò mồi" lập ma trận: Bán sai đơn, lừa dối khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO