Vừa nghe tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra đi, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát không giấu được nỗi buồn thương. "Một nhà thơ hay, xinh đẹp, tấm lòng đối với bạn bè nhân hậu ấm áp, tính tình hài hước vui vẻ. Bạn đã đi rồi!", bà chia sẻ.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kể, bà và nhà thơ Mỹ Dạ biết nhau từ những năm 70 của thế kỷ trước. Mỗi lần nữ sĩ ra Hà Nội, các bạn gái đều xúm xít vây quanh thăm hỏi vui vẻ. Mỹ Dạ bận mấy cũng không quên ghé đến nhà thăm vợ chồng bà, ở lại ăn cơm, có lần thì ngủ lại. Bà vào Huế cũng vậy.
"Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường - chồng Mỹ Dạ - bị tai biến nằm bệt, phải ăn xông hơn 20 năm rồi. Những năm cuối đời bạn bị mất trí nhớ, quên hết mọi người, nhìn ai cũng ngơ ngơ không có phản xạ.
Giờ bạn đi rồi, hết một đời trần gian vinh quang cũng nhiều mà bị kịch cũng không ít, nhất là những năm cuối đời. Thôi yên nghỉ nhé, mệt mỏi, vất vả đủ rồi. Bay đi thanh thản với trời xanh mây trắng", biên kịch Hồng Ngát xúc động chia sẻ.
Biên kịch Nguyễn Thủy tiếc thương, viết: "Ngày mình được thầy dẫn vào Huế lần đầu, mình yêu Huế hơn vì người phụ nữ mình gặp là cô Lâm Thị Mỹ Dạ.
Cô cùng quê với thầy, nhưng với mình, cô vẫn "rất Huế", dịu dàng nữ tính, chăm chút và đẹp vô cùng, cô vẫn giữ lại "khoảng trời" sau bao những "hố bom" cuộc sống. Sáng nay, ở thành phố lạ, nghe tin cô mất rồi. Tim hẫng đi một nhịp, thương tiếc cô một cây bút tài hoa, một người đàn bà đẹp".
Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ là "thiên thần bay xuống trần gian".
"Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị như vậy bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một vẻ đẹp mong manh nhưng đầy lan tỏa", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Ông khẳng định, ngay cả những câu thơ nữ sĩ viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy.
"Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở.
Lúc này, tôi mang cảm giác mọi bông hoa đang nở trong mùa hạ đều mang vẻ đẹp của gương mặt chị, của tâm hồn chị và của thơ ca chị. Xin cúi đầu tưởng nhớ chị và xin ngước mắt nhìn phía ánh sáng nơi chị bay về", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động viết.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - tại Huế.
Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn từ năm 1971, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Khoảng trời, hố bom. Đây cũng là tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn cấp 3.
Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Trong sự nghiệp thi ca, Lâm Thị Mỹ Dạ từng giành nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Những tác phẩm nổi bật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có thể kể đến Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984), Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987), Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987)...
Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.
Trong đó, 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Đề tặng một giấc mơ (1988) được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Sinh thời, Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói: "Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó.
Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát, nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng".
Nhận xét về thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà từng viết: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng".
Trong khi đó, nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".