Quan điểm này được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nêu ra tại cuộc gặp mặt chiều 29/2 giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với 210 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo ông Thiều, có một số người lên tiếng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra con số 350.000 tỷ chi cho việc chấn hưng văn hóa và cho rằng "tiêu quá nhiều tiền trong lúc nhân dân còn khó khăn".
Song với quan điểm cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định 350.000 tỷ vẫn là con số rất ít, vì để đầu tư văn hóa vô cùng lớn.
Ông ví von đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang, trồng tháng 1 đến tháng 4 có thể dỡ được khoai, mà phải mất hàng trăm năm.
"Thi thoảng ở giữa Hà Nội, ta thấy một người đi qua nơi công cộng ném một bọc rác xuống, việc này chỉ mất 190 giây. Nhưng để một người đi qua nhìn thấy bọc rác và tự động nhặt bỏ vào thùng rác phải mất hàng trăm năm. Đó là thời gian hình thành vẻ đẹp, hành vi văn hóa", ông Thiều dẫn chứng.
Từ đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh đầu tư văn hóa là điều vô cùng cần thiết.
Ông cũng nhắc lại việc nhà thơ Hữu Thỉnh khi là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng phát biểu trên Quốc hội "nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù".
"Câu nói này không mang tinh thần thi ca mà là chân lý, chứa đựng tầm quan trọng của văn hóa, đồng thời cảnh báo nếu chúng ta bỏ rơi văn hóa. Nếu tiết kiệm hay bớt đi một đồng chi cho văn hóa thì một trăm năm sau, con cháu chúng ta phải cùng nhau bỏ tiền xây nhà tù cho những vấn đề về đạo đức, về nhân cách", theo lời ông Thiều.
Ông cho rằng Nhà nước cần chính sách đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa vì khi chính trị bền vững, có vị thế trên toàn thế giới cộng với một nền văn hóa bền vững, đó sẽ là một quốc gia lớn mạnh.
Theo ông Thiều, chúng ta đã làm được quá nhiều việc ngoài sức tưởng tượng nhưng trong văn hóa vẫn có những lỗ hổng chưa được hàn gắn.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng kiến nghị cần chăm lo phát triển toàn diện cả vật chất, tinh thần để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, cống hiến cho đất nước.
Ông cho rằng các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo bồi dưỡng bài bản, được tôn vinh và được trọng dụng.
"Cần đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới để phục vụ, cống hiến cho nhân dân nước nhà", theo lời ông Quân.
Ông cũng nêu quan điểm việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sĩ cần được xem xét toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời.
Về cơ chế, cần đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.