Nguy cơ rối loạn tâm lý học đường sau dịch COVID-19

ANH ĐÀO| 19/03/2022 18:21

Trong thời gian học trực tiếp kéo dài dẫn đến việc hạn tiếp xúc, hạn chế giao tiếp, hạn chế ra đường đã khiến cho nhiều học sinh và giáo viên rơi vào tình trạng trầm cảm, khủng hoảng tâm lý và để lại hậu quả nghiêm trọng.

hoc-sinh-khung-hoang(1).jpeg
Nhiều học sinh bị khủng hoảng tâm lý học đường sau dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Tránh hậu quả nghiêm trọng

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) khẳng định - rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay.

Đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường.

Em T.M.L., học sinh lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) kể rằng do phải học online kéo dài nên em không quen biết được nhiều bạn mới và có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ.

“Em thuộc nhóm người hướng nội nhưng gia đình không chịu nghe em tâm sự. Hễ định tâm sự thì cha mẹ không hề nghe, em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em trầm cảm thêm trong suốt thời gian qua”, L. kể.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam - cũng chỉ ra rằng, đợt dịch lần thứ tư vừa qua có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn...

Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.

Bên cạnh những mặt tích cực, học trực tuyến kéo dài cũng có nhiều hạn chế. Lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập. Trẻ phải ngồi trước thiết bị điện tử thời gian dài khiến các em cảm giác cô lập, xa cách. Từ đó, trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý…

"Trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Những tác động đó đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới", Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.

1-28-.jpeg
Y tế học đường đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh thoát khỏi khủng hoảng tâm lý - Ảnh: Internet

Không can thiệp kịp thời, hậu quả lớn

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em được coi là sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong việc phát triển tư duy, hành vi, kỹ năng xã hội hoặc điều chỉnh cảm xúc phù hợp với lứa tuổi.

Những vấn đề này khiến trẻ em lo lắng và làm gián đoạn khả năng hoạt động tốt của trẻ ở nhà, ở trường hoặc trong các tình huống xã hội khác. Nhiều trẻ em thỉnh thoảng trải qua nỗi sợ hãi và lo lắng, hoặc các hành vi gây rối.

Đặc điểm rối loạn tâm thần học đường thường gặp gồm rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhiều gia đình khi đưa các cháu đến khám đều cho rằng con mình không có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng thực tế, khi làm việc với các em nhỏ, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em. Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn tâm lý vừa và nặng.

Theo GS Lê Thanh Hải - giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - nhận định, trẻ em là đối tượng phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện nên dễ gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.

Hiện nay, một số trường đã có Phòng tham vấn tâm lý học đường với các cán bộ tâm lý có khả năng hỗ trợ các vấn đề tâm lý không quá phức tạp, giúp các em học sinh được tiếp cận với các chương trình phòng ngừa sớm và ngay tại trường học.

"62 - 71% học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn trong trường học. Các mạng lưới tâm lý học đường được kết nối với các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học, sự gắn kết vẫn còn lỏng lẻo", Giáo sư Hải nói.

Bác sĩ Loan cũng cho biết, nhiều bậc phụ huynh cũng coi những biến đổi tâm lý của trẻ em nhiều khi là do phản ứng thái quá vì căng thẳng hoặc cho rằng đó là tâm lý tuổi dậy thì, đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng thì can thiệp quá muộn. Việc phát hiện, điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh.

“Chúng ta cần phải đặt vào vị trí của các em nhỏ chứ đừng áp đặt tâm lý của người lớn lên trẻ em. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các gia đình và nhà trường”, bác sĩ Loan nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ rối loạn tâm lý học đường sau dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO