Nguy cơ mù loà nếu tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ

NGUYỄN LY - THÙY LINH| 19/09/2023 09:46

Việc cung cấp và bán các loại thuốc, đặc biệt là các loại chứa corticoid không phù hợp có thể gây nguy hiểm cho người bệnh đau mắt đỏ.

Nguy cơ mù loà nếu tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ
Một số loại thuốc đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng giá, khan hiếm tại Hà Nội. Ảnh: Thuỳ Linh

Cân nhắc khi mua thuốc điều trị đau mắt đỏ tại nhà

Sau 2 ngày bị đau mắt đỏ với các biểu hiện chảy nước mắt, đỏ mắt, chị Thùy Linh (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị. Nhân viên nhà thuốc đã bán thuốc tra mắt là kháng sinh cho chị về dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 lần tra thuốc tại nhà, 2 mắt chị Linh đỏ ngầu, sưng đau, húp híp, cặp nhèm, mở mắt khó khăn nên phải đến viện thăm khám. Các bác sĩ cho biết, chị Linh bị dị ứng thành phần cloxit có trong thuốc tra mắt, khiến bệnh tình của chị nặng hơn.

Chị Nguyễn Thu Trang (quận 3, TP Hồ Chí Minh) may mắn hơn vì đã mua được loại thuốc mình mong muốn nhưng chị đã cân nhắc rất kỹ trước khi đi mua thuốc đau mắt đỏ.

Theo chị Trang, vì có kinh nghiệm y tế nên chị đã nghiên cứu kỹ về thành phần và loại thuốc phù hợp cho gia đình mình.

Không nên tự ý mua thuốc để điều trị đau mắt đỏ

Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho biết, mỗi ngày, khoa tiếp nhận 40 - 50 trẻ có biểu hiện của viêm kết mạc cấp, trong đó 80% là do virus Adeno. Ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ có thêm biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng.

Đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc, thậm chí mất thị lực. Bệnh khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn xanh - vàng.

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính - chuyên khoa mắt, Khoa liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh - trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ, nguy cơ lớn nhất vẫn là ở những bệnh nhân bị viêm kết mạc mắt hoặc nhiễm trùng mắt nhưng không chịu thăm khám sớm. Đến khi bệnh trở nên nặng hơn, bệnh nhân mới quyết định đi khám, điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa corticoid, một thành phần có thể làm tăng nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn nếu bệnh nhân đang bị viêm kết mạc mắt hoặc nhiễm trùng mắt. Hậu quả có thể bao gồm tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể và thậm chí là mù loà.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh - đối với một người bình thường, nếu có các triệu chứng như ghèn mắt, nhức mắt, thường cho rằng mình đang bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng tương tự với nhiều bệnh lý về mắt khác như viêm nhiễm khuẩn... Người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa về khám mắt để xác định chính xác tình trạng bệnh, không nên tự ý mua thuốc điều trị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ mù loà nếu tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO