Người Việt thiệt hại trung bình gần 20 triệu đồng khi bị lừa đảo online

05/01/2024 06:30

Với mỗi vụ lừa đảo thực hiện thành công, các nạn nhân người Việt phải gánh chịu thiệt hại trung bình khoảng 17,7 triệu đồng.

Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chongluadao mới đây đã phối hợp công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023.

Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) là một tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ,... để chia sẻ hiểu biết và kiến thức xung quanh các trò lừa đảo.

Báo cáo của tổ chức này được thực hiện dựa trên một cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ ảnh hưởng của tình trạng lừa đảo trực tuyến.

lua dao tai viet nam.jpg
Bảng thông tin dựa trên khảo sát về tình trạng lừa đảo tại Việt Nam của GASA. Biểu đồ tròn cho thấy tỷ lệ các loại tài sản của nạn nhân bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt.

Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo.

Thiệt hại tài chính do các vụ lừa đảo gây ra là rất lớn khi có 29% người tham gia cho biết họ đã phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình, số tiền thiệt hại của mỗi nạn nhân là khoảng 17,7 triệu đồng (734 USD).

Facebook và Gmail hiện nổi lên như những kênh lừa đảo chính để tiếp cận nạn nhân tại Việt Nam. 71% số người được hỏi gặp phải lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này.

Bám sát theo đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%), chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 trong các kênh được những kẻ lừa đảo khai thác nhiều nhất. Lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người được hỏi báo cáo về hình thức này.

Sử dụng phương pháp ngoại suy, GASA cho rằng, nếu áp dụng những số liệu này trên phạm vi toàn quốc, tổng thiệt hại mà lừa đảo gây ra đối với Việt Nam có thể lên tới 391,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,23 tỷ USD).

lua dao tai viet nam 2.jpg
Tần suất gặp phải lừa đảo của người dùng Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của GASA, 70% người Việt Nam phải đối mặt với các trò lừa đảo ít nhất 1 lần mỗi tháng. Tuy vậy, 55% người Việt được hỏi “rất tự tin” về việc họ có thể nhận diện được các vụ lừa đảo. 14% cho biết họ “hoàn toàn không tự tin” trước những vụ lừa đảo nhan nhản như hiện nay.

Theo ông Joriji Abraham, người đứng đầu Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu, chỉ có 1% trong tổng số các nạn nhân lấy lại được toàn bộ số tiền đã mất. 54% nạn nhân phải gánh chịu tác động mạnh về mặt cảm xúc.

22% nạn nhân cho biết họ không tránh được cám dỗ từ những lời đề nghị hấp dẫn. Những người khác thì bị mắc bẫy bởi sự lưỡng lự hoặc các hành động bốc đồng. Điều đáng báo động nhất là có tới 66% nạn nhân lựa chọn không thông báo về vụ lừa đảo tới các cơ quan chức năng”, ông Joriji Abraham nói.

Các chuyên gia của Liên minh Chống lừa đảo cho rằng, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, mọi người cần thận trọng khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng.

W-tin-nhan-lua-dao-sms-1.jpg
Nội dung một tin nhắn lừa đảo truy cập vào đường link để đánh cắp thông tin. Tin nhắn này được kẻ xấu gửi đến nạn nhân thông qua các trạm BTS giả mạo. Ảnh: Trọng Đạt

Tại Ngày An toàn thông tin 2023, nhiều chuyên gia cũng đã chia sẻ góc nhìn đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân.

Theo ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), tuy rất khó ước tính chính xác nhưng lượng người dùng bị lừa đảo ở nước ta hiện có thể chiếm đến 0,5% dân số.

Chuyên gia của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng, 100% vụ lừa đảo thành công là do kẻ xấu đã thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân. Do đó, việc bảo vệ thông tin cá nhân giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) cho hay, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân của người dùng xuất phát từ 3 yếu tố chính.

Các nguyên nhân này bao gồm công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nhưng nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề bảo mật thông tin. Nguyên nhân thứ 2 là các vụ tấn công bằng mã độc và nguyên nhân thứ 3 là các cuộc tấn công lừa đảo nhằm vào con người để từ đó đánh cắp dữ liệu.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người Việt thiệt hại trung bình gần 20 triệu đồng khi bị lừa đảo online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO