Đốt pháo, đập phá khắp đường phố
2h ngày 28/6, từ tầng 10 căn chung cư gần quận 13 ở Paris, Nguyễn Ngọc Quỳnh (27 tuổi), nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát, song không biết chuyện gì đang xảy ra trong khu vực.
Sáng hôm đó, trên đường đến công ty ở quận 2, Quỳnh thấy nhiều vết ô tô cháy dọc hai bên đường. "Chắc là tai nạn xe", cô phỏng đoán. Đến trạm tàu điện, đọc bảng thông báo dừng hoạt động, cô chỉ nghĩ là do "tàu hỏng", vội bắt xe công nghệ để kịp giờ làm.
"Đến nơi, tôi mới biết đêm qua xảy ra bạo loạn tại trung tâm Paris và một số vùng lân cận", Quỳnh nói. Theo dõi tin tức trên báo đài, cô gái Việt sửng sốt khi nhiều siêu thị, xe cộ bị đốt phá, các cửa hàng phải đóng hàng rào sắt để tránh bị đập bể kính.
Cách đó gần 500km, nửa đêm tại Lyon - một trong những thành phố lớn tại Pháp sau Paris, Phan Hà (27 tuổi) chứng kiến một nhóm thanh niên đốt pháo, đập phá khắp đường phố.
Về đến nhà, cô thấy nhiều video trên mạng xã hội chiếu cảnh nhóm bạo loạn phóng ô tô vào siêu thị, cửa kính vỡ tan tành. Một tốp khác đập phá xe, "hôi của" từ các cửa hàng, trung tâm thương mại.
"Hầu hết những cuộc biểu tình đều diễn ra vào ban đêm. Những ngày qua, tôi hạn chế ra ngoài một mình khi trời khuya", Hà nói.
"Thời điểm đó, gia đình tôi ở trong một khu dân cư gần tháp Eiffel, không hay biết gì. Sáng hôm sau, tôi vẫn đi tàu từ quận 16 (phía Tây Paris) đến quận 5", chị Trường Giang (42 tuổi, kinh doanh dịch vụ cho thuê căn hộ du lịch tại Paris) nhớ lại.
Các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về bạo loạn tại Nanterre và các khu vực nhạy cảm khiến chị Giang lo lắng. Cùng lúc đó, chị nhận tin buổi tiệc cuối năm dự kiến diễn ra từ 18h30 đến 22h cho toàn thể phụ huynh và học sinh tại trường học của con bị hủy bỏ đột xuất.
Chính quyền địa phương cũng thông báo nhiều chương trình, sự kiện công cộng, tập trung đông người, tạm thời bị hủy bỏ để đảm bảo an ninh trật tự.
Thị trưởng Paris cho biết các dịch vụ xe buýt, xe điện trong và xung quanh thủ đô tạm dừng hoạt động từ 21h hàng ngày, bắt đầu từ 29/6.
Một thị trấn ngoại ô của Paris đã ban hành lệnh giới nghiêm nhằm đối phó với bạo lực trong đêm. Người dân không được ra khỏi nhà từ 21h đến 6h hôm sau, từ ngày 29/6 đến hết 3/7.
"Chúng tôi được khuyến cáo hạn chế ra đường vào đêm khuya, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường vào ban ngày. Cảnh sát được huy động tối đa", chị Giang kể.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin ngày 30/6 tuyên bố nước này sẽ triển khai 45.000 cảnh sát trên toàn quốc, điều động nhiều đơn vị đặc nhiệm. Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết lực lượng quân cảnh Pháp sẽ tổ chức thiết giáp để đối phó với tình hình leo thang.
Trên hội nhóm cư dân, chị Giang và một số người dân Pháp bình tĩnh theo dõi diễn biến bạo loạn. Không ai hoảng sợ, cũng chẳng ai tức giận. Họ bày tỏ nỗi buồn, đồng cảm trước sự việc đáng tiếc.
Họ cũng cảm thấy thất vọng vì nhiều sự kiện buộc tạm dừng trong sự háo hức trông đợi một mùa hè sôi động sau đại dịch Covid-19.
"Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyết định của cơ quan chức năng, kiên nhẫn theo dõi và chờ thông báo tiếp theo", người phụ nữ Việt bình tĩnh nói.
"Cuộc bạo loạn lớn chưa từng thấy"
Tại thành phố Antony, ngoại ô Paris, Nguyễn Thị Tường Vi (29 tuổi) nói cuộc sống không bị xáo trộn bởi cuộc bạo loạn. Tuy nhiên, do học tập và làm việc tại trung tâm thủ đô, hành trình đi lại mỗi ngày của cô ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ngày 29-30/6, giao thông bị đình trệ, không có xe buýt lẫn tàu điện, Tường Vi sử dụng tàu điện ngầm đến chỗ làm. Phương tiện này ít chuyến hơn ngày thường, thời gian chờ lâu và đông người khiến cô mệt mỏi.
Để đối phó với bạo loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Vi hạn chế ra ngoài muộn, không đến các quận có nguy cơ cao ở Paris như quận 19, 20. Bố mẹ cô ở Việt Nam liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình. Nghe con gái thông báo an toàn, họ mới thở phào nhẹ nhõm.
Trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự bất ổn tại Paris và một số khu vực trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 3/7 khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Pháp liên tục cập nhật tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, thận trọng khi di chuyển tới các khu vực có tình hình trị an bất ổn.
Trong trường hợp cần thiết, công dân có thể liên hệ với Đại sứ quán qua đường dây bảo hộ công dân.
6 năm học tập và làm việc tại Pháp, Ngọc Quỳnh nói đây là "cuộc bạo loạn lớn chưa từng thấy". Cô gái 27 tuổi cho hay những lần trước, Pháp thường xảy ra đình công hoặc biểu tình. Thời điểm đó, nếu tàu không hoạt động, thì xe buýt sẽ thay thế.
"Nhưng lần này, các phương tiện gần như tê liệt, vì sợ bị đập phá. Hôm 3/7, tôi phải đi bộ khoảng 4km về nhà", Quỳnh kể.
Tình trạng bạo loạn đã khiến hơn 5.600 ô tô, 1.000 tài sản tư nhân bị đốt hoặc hư hại, 250 đồn cảnh sát bị tấn công. Bộ Tư pháp Pháp thông báo khoảng 3.900 người bị bắt kể từ 30/6, trong đó có 1.244 trẻ vị thành niên. Trong số này, 157 người bị bắt trong đêm 2/7, rạng sáng 3/7, giảm đáng kể so với một ngày trước đó.
Sau đỉnh điểm của bạo loạn, chị Trường Giang thấy cuộc sống tại trung tâm Paris quay về "trạng thái bình yên", không còn dấu hiệu biểu tình.
Tối 3/7, chị đi bộ ra tòa thị chính, xem chuỗi hòa nhạc chào mừng sự kiện Olympic Paris đến tận nửa đêm. Chị chụp lại một số bức ảnh về khung cảnh thành phố, để cập nhật tình hình cho bạn bè và du khách.
(Nhịp sống Paris quay trở về "trạng thái bình yên" sau bạo loạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đặt chân đến Pháp lần đầu vào năm 2004, nhìn lại một hành trình dài gắn bó với đất nước này, chị Giang cho biết biểu tình tại đây không phải chuyện hiếm gặp.
"Nhiều khi đang ngồi uống cà phê cũng thấy đám đông giương cờ, trống nhạc, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, được cảnh sát hộ tống qua các dãy phố. Đây là hình thức biểu tình hợp pháp, được pháp luật quy định. Họ có tổ chức, đã xin phép trước và hoàn toàn ôn hòa", người phụ nữ cho hay.
Trong khi đó, theo chị, những cuộc bạo loạn thường xuất phát từ các khu ngoại ô, những vùng được đánh dấu nhạy cảm, do những thành phần quá khích, tội phạm kích động gây mất an ninh trật tự nhằm trục lợi cá nhân.
"Mong lại thấy một Paris xinh đẹp"
Theo CNN, phần lớn cuộc sống tại Pháp diễn ra bình thường sau 6 ngày bạo loạn. Các khu vực trung tâm của Paris, nơi có Bảo tàng Nghệ thuật Louvre và tháp Eiffel gần như không bị ảnh hưởng. Tương tự, các khu vực nông thôn và ven biển vẫn có nhiều du khách.
CNN cho biết du khách vẫn cần chú ý vì chưa rõ các cuộc biểu tình tiếp tục trong bao lâu cũng như các biện pháp mà chính phủ áp dụng để lập lại trật tự.
Chị Trường Giang khuyến cáo du khách Việt có kế hoạch đến Paris thời gian này nên "né" các khu vực thường xảy ra biểu tình, náo loạn như: quảng trường Bastille, quảng trường République, quảng trường Italie,...
Phương tiện công cộng nếu bị đình trệ sẽ được thông báo trước. Du khách nên tải ứng dụng RATP (Quản lý giao thông công cộng Paris) để theo dõi tình hình thực tế. Nhiều tuyến từ ngoại ô vào trung tâm sẽ bị tạm dừng sớm hơn thường lệ.
"Mọi người không cần thiết hủy lịch trình, chỉ cần chú ý theo dõi diễn biến thời sự, tránh những vùng bạo loạn", chị Giang cho hay.
Còn Tường Vi nhận định du lịch Pháp đầu tháng 7 "sẽ hơi mạo hiểm", bởi nhiều thành phố vẫn đang duy trì các biện pháp lập lại trật tự.
Nhưng theo cô, nếu đã lỡ đặt vé, du khách Việt vẫn nên tiếp tục hành trình, kiểm tra khách sạn có nằm trong vùng an toàn hay không, đi chơi tại những quận ít xảy ra bạo loạn, về điểm lưu trú sớm.
"Tình hình tại Pháp đang dần ổn định. Ai cũng mong bạo loạn sớm chấm dứt, để lại thấy một Paris xinh đẹp", cô nói.