Điện chỉ có 1-2 tiếng/ngày, cuộc sống vẫn bình thường
18h chiều 23/9, màn đêm buông xuống ở thủ đô Beirut. Khi những căn nhà bắt đầu le lói ánh đèn, anh Đặng Công Tráng - người Việt Nam đã có 20 năm sống ở Li Băng, bắt đầu chuẩn bị bữa cơm chiều.
Xem thêm: Lebanon là nước nào? Đất nước Lebanon thuộc châu nào?
Quang cảnh xung quanh không có sự xáo trộn, các con đường ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm không khác so với nhiều đô thị trên thế giới.
Nhìn những hình ảnh này, ít ai biết rằng, chỉ cách đó vài trăm km ở miền nam Li Băng, giao tranh giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hezbollah đang diễn ra rất căng thẳng.
Cuộc trò chuyện của phóng viên với anh Tráng liên tục bị ngắt quãng vì mạng Internet chập chờn. Xen lẫn vào là âm thanh "ù ù" của tiếng động cơ máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
"Mấy năm trở lại đây, khu vực tôi sống chỉ có điện khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày. Vào các thời điểm khác, nếu muốn có điện, người dân phải mua dầu về chạy máy phát", anh Tráng kể.
Người đàn ông này đang làm đầu bếp trong một công ty chuyên tổ chức tiệc tại Beirut. 20 năm sống ở khu vực Trung Đông, anh Tráng chứng kiến vô số những lần bất ổn.
"Theo thông tin cảnh báo, vài ngày nữa sẽ có tấn công của Israel vào khách sạn cách nơi tôi đang sống 200m. Khu vực đó bị nghi ngờ chứa vũ khí của Hezbollah. Họ đã thông báo để người dân trong tòa nhà đó sơ tán. Nắm được thông tin như vậy, tôi cũng sẽ không di chuyển khu vực đó.
Người dân được sơ tán hết cũng giúp đảm bảo an toàn tính mạng. Công nghệ tấn công chính xác không làm ảnh hưởng các khu vực xung quanh", anh Tráng nói.
Nhịp sống thường nhật ở Li Băng hiện vẫn hối hả, không có nhiều xáo trộn. Với nhiều người, họ dường như không còn xa lạ với chuyện sơ tán hay thông tin về giao tranh.
Sau khi có thông tin từ cơ quan ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam rời khỏi Li Băng, người thân của anh từ quê nhà liên tục nhắn tin, gọi điện thoại hỏi han tình hình, bày tỏ sự lo lắng.
Gần khu vực anh Tráng sinh sống có một phụ nữ quê Bắc Giang làm giúp việc. Những người Việt Nam khác sống rải rác ở nhiều nơi. Đây đều là những nơi an toàn, không có giao tranh, chiến sự.
Theo anh Tráng, lực lượng Hezbollah là tổ chức của người Hồi giáo dòng Shiite có mâu thuẫn với Israel sống tập trung ở quận Dahie (Beirut) không gần trung tâm. Bất ổn sẽ tập trung ở khu vực này, trong khi đó các nơi khác không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhắc đến Li Băng vào thời điểm này, có lẽ nhiều người sẽ tưởng tượng đến cảnh bom rơi đạn lạc, nhà cửa bị san phẳng... nhưng không phải nơi nào cũng vậy. Theo anh Tráng, bất ổn nhất tập trung tại khu vực biên giới giữa Li Băng và Isreal.
Anh Tráng cho biết: "Tình hình ở Beirut vẫn bình thường. Người dân ở đây dường như đã quen với không khí chiến tranh, thậm chí quen cả với tên lửa, đạn rơi. Cách đây ít ngày, ở khu vực biên giới phía nam, có ném bom và phóng tên lửa ác liệt".
Tình hình bất ổn kéo theo hệ lụy về kinh tế, đời sống khó khăn của người dân và những lo ngại ngay trong nội tại của Li Băng.
Đặc biệt, sau vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng khiến 40 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, nhiều khách hàng đã quyết định hủy tiệc đã đặt để đảm bảo an toàn.
Công việc của anh Tráng bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút nhiều so với trước đây. Theo lịch ngày 24 và 25/9 anh Tráng sẽ có lịch tổ chức tiệc cho khách, sau đó người đàn ông này chưa biết tình hình sẽ diễn biến thế nào.
Anh Tráng chia sẻ: "Cuộc sống của người dân Li Băng khó khăn nhiều hơn so với trước đây. Vật giá đắt đỏ hơn, đồng tiền mất giá, khủng hoảng kinh tế... Mỗi ngày điện chỉ có vài tiếng, mạng Internet chập chờn...".
Sau giờ làm, người đàn ông này hạn chế ra ngoài, thường trở về nhà để giữ an toàn, tránh các rủi ro.
Nói về tình hình hiện tại của Li Băng, anh Tráng nhận xét: "Bình thường so với một đất nước bất ổn như Li Băng còn bất ổn so với những quốc gia hòa bình trên thế giới".
Khái niệm đào hầm, xuống nơi trú ẩn chưa bao giờ có trong suy nghĩ của anh Tráng. Bởi, cách thức tấn công vào các kho vũ khí của nhóm Hezbollah mà phía Israel sử dụng là dùng công nghệ cao, định vị chính xác, có thông báo trước để sơ tán người dân.
Dự kiến, ngày 24/9, anh sẽ trao đổi với chủ công ty: Nếu khách hủy đặt tiệc nhiều, người đàn ông này sẽ thu xếp để trở về Việt Nam để người thân bớt âu lo.
Được biết, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng vẫn giữ liên lạc với anh Tráng để cập nhật tình hình. Số lượng công dân Việt Nam tại Li Băng không nhiều, do khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều người đã về nước.
Chưa có dấu hiệu của giao tranh
Nằm cách trung tâm Beirut khoảng 20 phút lái ô tô, tiệm spa - nơi chị Phùng Thị Hồng Tính (quê Phú Thọ) làm quản lý vẫn đón khách. Người dân địa phương giữ nếp sống thường nhật, không có sự sợ hãi, lo lắng làm xáo trộn mọi thứ.
Trong khi chị Tính làm việc, khu vực bên ngoài, đường cao tốc Dbaye vẫn nhộn nhịp xe cộ nhất là thời điểm tan tầm chiều tối. Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, giao tranh giữa Israel và nhóm Hezbollah lan tới.
Khung cảnh bên ngoài tiệm spa yên bình, người dân thong thả đi lại. Trong các con ngõ nhỏ, bầu không khí yên tĩnh cách biệt hoàn toàn với sự căng thẳng vùng biên giới. Điện lưới được cung cấp ổn định suốt cả ngày, hàng hóa dồi dào không có hiện tượng khan hiếm.
Lượng khách đến spa sụt giảm khoảng 30% so với trước đây vì tình hình kinh tế khó khăn, song thu nhập của cửa tiệm nơi chị Tính làm vẫn đủ nuôi sống các nhân viên.
"Khu vực tôi ở cách xa biên giới, không có giao tranh nên cuộc sống vẫn bình thường. Anh chị em người Việt vẫn nắm bắt thông tin qua kênh liên lạc với đại sứ quán. Sắp tới đây, nếu có chiến tranh lớn thì chưa biết thế nào", chị Tính chia sẻ.
Năm 2006, tại Li Băng từng xảy ra chiến tranh Israel - Hezbollah. Cuộc chiến kéo dài 34 ngày tại khu vực miền nam Li Băng và bắc Israel, không lan tới nơi chị Tính hay những khu vực khác có người Việt Nam sinh sống.
Dbaye - nơi chị Tính đang ở, lối sống của cư dân mang phong cách phương Tây nên mọi người hòa đồng, thoải mái từ cách ăn uống, trang phục cho đến giao tiếp. Người Việt Nam hiền lành, chịu khó nên cư dân địa phương quý mến.
Mỗi ngày đi qua, cộng đồng người Việt Nam ở Li Băng mong muốn những bất ổn sẽ sớm chấm dứt, cuộc sống yên bình sớm trở lại với người dân tại nơi có giao tranh.
Ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Li Băng rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Trong thông báo khẩn, Đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Li Băng cần dừng/hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Trước đó, Israel kêu gọi người dân ở miền nam Li Băng ngay lập tức sơ tán khỏi các công trình - nơi được cho là khu vực nhóm Hezbolla cất giữ vũ khí. Nước này tuyên bố thực hiện "tấn công diện rộng" vào Hezbolla.