Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất

08/01/2024 10:36

Ngọc Tài nói "chỉ thèm một cốc nước sạch", Kpa H Muội ước có cơn mưa để hứng nước dùng sinh hoạt, còn Mai Linh mong một giấc ngủ không thấp thỏm và ám ảnh tiếng chuông cảnh báo động đất.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất

Thèm một cốc nước sạch

Một tuần sau trận động đất mạnh 7,6 độ làm rung chuyển miền Trung Nhật Bản, Nguyễn Ngọc Tài (23 tuổi) chưa dám trở về nhà ở tâm chấn thành phố Wajima (tỉnh Ishikawa). Hai đường cao tốc dẫn vào thành phố đều bị hư hỏng nghiêm trọng đã biến Wajima trở thành "ốc đảo cô lập".

"Tôi vẫn không tin mình còn sống qua thảm họa này", chàng trai Việt nói.

Khoảng 16h ngày 1/1, dư chấn nhỏ đầu tiên báo hiệu động đất. Cảnh báo vang lên từ điện thoại, Tài chỉ nghĩ như bao trận động đất bình thường khác ở Nhật Bản. Vừa bước ra ngoài, anh cảm nhận rung lắc mạnh, nhà cửa và đường sá xung quanh bắt đầu đổ sập, nứt toác trước mắt.

Tài được giám đốc công ty đón lên chỗ di tản quân sự phía sau nhà, chỉ kịp mang theo điện thoại và bộ quần áo. Anh được phát một chiếc chăn để giữ ấm, những người đến sau phải chịu lạnh do số người di tản đã quá tải.

Khi dư chấn mạnh tạm dứt, Tài liều mạng chạy về nhà lấy bánh mì và giấy tờ. Căn nhà trơ khung, tường thạch cao đổ nát, mái bị tốc hết. Cách đó 200-300m vừa xảy ra một trận hỏa hoạn thiêu rụi mấy căn nhà, sóng thần tràn qua cảng biển Wajima.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 1

Khung cảnh đổ nát nơi Ngọc Tài sinh sống.

Ngày đầu tiên tại chỗ lánh nạn, anh ăn bánh mì và uống nước cầm cự. Hết nước sạch, anh hứng nước mưa, nước rừng.

Hôm sau, Tài đến nhà 5 anh em người Việt bị mắc kẹt tại tâm chấn, nhưng cũng không có nước sạch. Họ đốt củi sưởi ấm, ngủ trên ô tô.

Sang ngày thứ 3, anh lang thang khắp thành phố Wajima tìm đồ ăn. Tại một vài siêu thị, nhân viên phát bánh mì, anh xếp hàng đợi 4 tiếng trong tiết trời 2 độ C.

"Mấy ngày nhịn tắm, nhịn đi vệ sinh, tôi chỉ thèm một cốc nước sạch", Tài nhớ lại.

Chàng trai liên lạc với các nhóm cứu trợ của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, nhưng được thông báo không thể tiếp cận khu vực sâu trong thành phố Wajima do quân đội chặn đường triển khai cứu hộ.

Wajima và thành phố lân cận Suzu chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất. Nỗ lực cứu trợ gặp khó khăn do đường sá hư hại và liên lạc gián đoạn.

Theo Reuters, 3.000 suất ăn và 5.000 chai nước được chuyển đến Wajima ngày 3/1 chưa đủ cho 11.000 người dân đang cần hỗ trợ ở thành phố.

"Đường sá hư hại không chỉ cản trở hàng cứu trợ, mà còn ảnh hưởng nỗ lực khôi phục điện, nước, dịch vụ viễn thông và các hạ tầng thiết yếu khác", Thị trưởng Shigeru Sakaguchi nói.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 2

Trận động đất gây thương vong nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản trong 8 năm qua.

Đến ngày thứ 4, Tài sơ tán sang thành phố Kanazawa cùng những người khác trong công ty. Đoạn đường từ Wajima đến Kanazawa bình thường chỉ mất 45 phút hoặc 1 tiếng, hôm đó kéo dài gấp 10 lần.

Tại chỗ lánh nạn mới, anh được tắm và uống nước sạch, dần ổn định tinh thần, song nói "mờ mịt về tương lai", không biết khi nào mới có thể quay về nhà.

"Tôi chỉ mong không còn động đất nữa, sớm quay lại cuộc sống hàng ngày", anh nói.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 3

Ngọc Tài cùng người dân địa phương xếp hàng trước một siêu thị.

Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt sinh sống, trong đó khoảng 600 người (chủ yếu là thực tập sinh) đang làm việc tại các công ty/nhà máy khu vực bán đảo Noto. Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện chưa có thiệt hại về người trong cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Cũng sống tại tỉnh Ishikawa, Kpa H Muội chỉ ước có cơn mưa để hứng nước dùng sinh hoạt. Sau động đất, cô gái người Ê Đê được công ty đưa đi lánh nạn trên vùng cao phòng trường hợp sóng thần. Đến chiều 5/1, cô trở về nhà sắp xếp lại đồ đạc.

Cuộc sống sau thảm họa trở nên khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt và gas. Cô cùng những người bạn phải nhịn tắm, mấy hôm trước hứng nước mưa lau người, dự trữ nước trong xô, chậu nhựa; sử dụng nước sạch còn sót lại tiết kiệm nhất có thể.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 4

Căn nhà của Muội và các thực tập sinh bị xáo trộn hoàn toàn sau động đất.

Cạn kiệt nguồn nước, cả nhóm ra ruộng đong nước về dọn vệ sinh. Mương nước sâu, thỉnh thoảng rung lắc, họ không dám tiến gần. Khi mót sạch nước tại các đồng ruộng quanh nhà, mỗi ngày họ lại bàn nhau kiếm nước ở đâu để dùng.

Nhận được đồ cứu trợ từ cộng đồng người Việt hôm 4/1, Muội phân chia, tính toán dùng nước tiết kiệm trong 2-3 ngày, chờ siêu thị mở cửa trở lại.

"Siêu thị cho phép mua đồ ăn thoải mái, nhưng hạn chế mua nước, xếp hàng chờ đến lượt. Chúng tôi phải chịu khó đi sớm vì sợ không còn nước", cô kể.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 5

Các cô gái đong nước mương, ruộng để cầm cự qua ngày.

Mong một giấc ngủ không thấp thỏm tiếng chuông động đất

Bạch Thị Mai Linh, 25 tuổi, sống cùng 5 thực tập sinh người Việt tại một trang trại chăn nuôi gà trong vùng núi sâu ở Wajima, cách biệt hẳn với khu dân cư.

Kết thúc ca làm chiều 1/1, họ chuẩn bị dọn mâm cơm tất niên. Linh gội đầu trong nhà tắm, không nghe thấy tiếng điện thoại phát cảnh báo khẩn cấp.

Các cô gái chưa kịp ăn uống thì phát hiện nhà và tủ lạnh rung lắc mạnh, vội hô hào nhau tháo chạy. Linh chưa kịp gội sạch, giữ nguyên đầu còn đầy bọt xà phòng chạy ra ngoài, "vẫn không nghĩ mọi chuyện sau đó vô cùng khủng khiếp".

6 nữ thực tập sinh mỗi người chạy một hướng, không kịp nhìn nhau. Linh cảm giác "trời đất quay cuồng, cột điện nghiêng ngả". Cô chạy trên mặt đất nhưng người nảy lên như "nhảy trên đệm", đứng không vững.

"Người thì ngã ra đất, không đứng dậy được, chúng tôi chạy mà đất ở dưới chân nứt toác ra. Lúc đấy tôi nghĩ là không sống được rồi", cô nhớ lại.

Linh kéo theo người chị bò ra bãi đất trống, tránh cột điện, rồi ôm nhau khóc. Lúc sau, dư chấn tạm dứt, họ quay lại nhà tìm giấy tờ quan trọng và điện thoại, rồi chui xuống gầm giường trú ẩn trong sợ hãi.

Đêm đó, cứ một - hai phút lại có một đợt rung chấn, nhà cửa nứt toác chỉ sợ đổ sập đè lên người.

"Chỗ tôi ở sâu trong rừng nên không có sóng. Nếu mất điện là không có cách nào để liên lạc với bên ngoài", cô gái kể.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 6

Khu vực Mai Linh sinh sống là tâm chấn của động đất, chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Rạng sáng, các cô gái tìm cách thoát khỏi vùng nguy hiểm. Lở núi, đá lấp đường, cây cối đổ chắn, họ phải trèo lên đống đổ nát để chạy ra ngoài. Nghe tiếng trực thăng trên đầu, họ kêu cứu trong bất lực vì khoảng cách xa.

Đến 10h ngày 2/1, một người quản lý đã phá đường, tìm cách tiếp cận nhóm thực tập sinh. Bước ra khỏi đống hoang tàn và đổ nát, Linh chỉ biết hét lên: "Mẹ ơi con sống rồi".

Cảm giác vỡ òa biết mình vẫn còn sống, còn được liên lạc với người thân, Linh nói giờ phút đứng giữa sự sống và cái chết, "ngoài gia đình thì với tôi mọi thứ đều không còn quan trọng nữa".

Nhóm 6 người được đưa đến chỗ sơ tán để tắm rửa và nghỉ ngơi. Những ngày đầu, họ ăn mì tôm do công ty hỗ trợ, sau tìm đến các siêu thị mua nhu yếu phẩm.

"Dù đã thoát nạn, tôi vẫn cảm thấy lo lắng vì trận động đất được dự báo trong tuần tới, chỗ sơ tán gần biển gây lo ngại về sóng thần", Linh cho hay.

Qua Nhật hơn một năm, dự định gắn bó lâu dài, dẫu biết đất nước này thường xảy ra động đất và sóng thần, Linh chưa bao giờ nghĩ thảm họa ập đến với bản thân theo cách kinh khủng như thế.

Trang trại gà đã bị phá hủy hoàn toàn khiến tương lai của cô trở nên mù mịt. Hoàn cảnh sống và làm việc cách biệt trong rừng, không sóng điện thoại cũng khiến cô gái trăn trở.

"Những ngày đầu chúng tôi cần nước uống, cần cơm trắng thay cho những cốc mì. Còn hiện tại, chúng tôi chỉ mong một giấc ngủ không thấp thỏm, ám ảnh tiếng chuông cảnh báo, được đi làm trở lại để sớm ổn định cuộc sống", cô gái Việt nói.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 7

Nhà cửa đổ sập, con đường xuất hiện nhiều vết nứt sâu.

Chuyến du lịch đầu năm đến thành phố Nanao (tỉnh Ishikawa) của Trần Thị Thúy Loan (23 tuổi) bỗng biến thành thảm họa, "từ mùng một sang mùng hai chỉ còn là một đống hoang tàn".

Sống tại thành phố Nonoichi (tỉnh Ishikawa), Loan hẹn đến nhà bạn chơi ngày đầu năm mới. Trận động đất khiến cô gái không kịp trở tay, bám trụ nhà bạn ở vùng núi tách biệt của Nanao.

Thiếu nước sinh hoạt, cả nhóm chỉ còn cách đẩy xe đi hứng nước tại con sông cách nhà 2km. Để nấu cơm, họ đun tuyết, rồi chắt nước sạch sử dụng.

Loan nói ai cũng có những khó khăn và thử thách phải trải qua trong cuộc sống, nên vui vẻ đối diện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. "Vì sau này, đó chính là một phần kỷ niệm khó quên", cô khích lệ bản thân.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 8

Nhóm người Việt đẩy xe đi hứng nước sông về sử dụng.

Mấy ngày trước, các đoàn cứu trợ của người Việt tiếp cận thành phố Nanao. Loan và những người bạn vỡ òa khi nhận được nước sạch và nhu yếu phẩm.

Khi dư chấn mạnh dứt hẳn, cô xin đi nhờ xe về lại Nonoichi để tiếp tục công việc, cuộc sống dần bình thường trở lại.

"Tôi lo lắng cho các bạn vùng thiên tai ở bán đảo Noto, động đất cường độ 5 vẫn xảy ra vào sáng sớm", Loan nói.

Không cứu hộ bất chấp, đặt sự an toàn lên hàng đầu

Sáng 4/1, nhóm của anh Bùi Văn Phong (32 tuổi) đi trên 4-5 ô tô bắt đầu di chuyển từ TP Kaga nơi anh sinh sống đến vùng Noto để trao đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho bà con người Việt gặp khó khăn.

Trước đó, anh đọc được bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi tham gia cứu trợ, nên bàn với các thành viên phân chia đến các siêu thị mua đồ ăn, nước uống. Do quy định mỗi người chỉ được mua một thùng mì và một chai nước, công tác chuẩn bị kéo dài từ tối 3/1 đến sáng hôm sau.

Cả nhóm gom được 5 xe, mỗi xe có khoảng 15-18 thùng nước, nhu yếu phẩm như: mì tôm, bánh mì, ngũ cốc… Họ xuất phát từ 8h, lần lượt đến các vùng bị ảnh hưởng như: Nanao, Wakura Onsen và thị trấn Oghi. Trong hai ngày, nhóm đã hỗ trợ 45-50 người Việt.

"Khó khăn lớn nhất là nhiều đoạn đường bị sạt lở, chỉ di chuyển được một hướng nên kéo dài thời gian. Chúng tôi mắc kẹt 5 tiếng trên cung đường 8km", anh nhớ lại.

Tối 4/1, nhóm nghỉ chân tại điểm lánh nạn, trước khi đến điểm cuối vào sáng hôm sau rồi kịp quay về Kaga. Hơn 5h ngày 5/1, hành trình lại bắt đầu, anh phát hiện đường cũ đã bị sập nên phải chuyển hướng.

"Tôi không nghĩ nhiều, thấy bản thân có xe và khả năng nên đã lên kế hoạch cứu trợ. Đến nơi, bà con nhận đồ rồi cảm ơn, chúng tôi vừa thương cảm vừa vui mừng vì đã giúp đỡ được đồng hương", anh nói.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 9
Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 10

(Nhóm anh Phong chuẩn bị nhu yếu phẩm tiếp tế cho bà con).

Theo anh Phong, hiện rất nhiều cá nhân và nhóm cộng đồng người Việt tổ chức cứu trợ vùng tâm chấn động đất. Anh khuyên không nên cứu hộ bất chấp, phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, "bởi đi cứu trợ mà để người khác vào cứu trợ ngược thì không hay".

Chàng trai khuyến cáo các đoàn cứu trợ nên tìm hiểu trước địa điểm, lịch trình di chuyển, mức độ thiệt hại, tuyến đường bị chặn… Họ cần chuẩn bị áo mưa, ủng và đèn pin, bởi thời tiết ở vùng tâm chấn được dự báo có mưa, thậm chí tuyết.

Nếu trời mưa hoặc gặp những đoạn đường sạt lở, các đoàn bắt buộc để xe lại và đi bộ; không nên đi một mình mà đi theo hội nhóm để giúp đỡ lẫn nhau; cân nhắc các loại xe gầm thấp, xe nhỏ không thể đi vào các tuyến đường sạt lở.

"Sự giúp đỡ nhỏ bé của chúng tôi hy vọng đồng hành cùng bà con vượt qua thiên tai. Hãy xem đó là thử thách chính mình như một kỹ năng vượt qua khó khăn", anh nói.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá một số tình nguyện viên người Việt đang rất tích cực hỗ trợ vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất ở tỉnh Ishikawa. Nhiều người đã đến tận nơi để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người Việt bị ảnh hưởng.

Ông nhận định nỗ lực hỗ trợ cần được thực hiện có tổ chức và trên diện rộng, đồng thời nhấn mạnh các kế hoạch phải phối hợp với chính quyền địa phương, không cản trở công tác cứu hộ, cứu trợ của chính quyền sở tại.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất - 11

Nhóm cộng đồng người Việt đến thành phố Nanao, cứu trợ nhu yếu phẩm cho nhóm của Thúy Loan.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu kêu gọi cộng đồng người Việt sẵn sàng hỗ trợ mọi trường hợp khó khăn, bất kể quốc tịch, trong quá trình cứu trợ ở vùng động đất.

Ông đề xuất thành lập ba nhóm trong nỗ lực cứu trợ. Nhóm thứ nhất gồm tình nguyện viên người Việt hoạt động trong vùng xảy ra động đất, xác định khu vực có người Việt bị ảnh hưởng và thu thập thông tin nhu cầu địa phương.

Qua hỗ trợ kết nối giữa Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền địa phương, nhóm có thể tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ các đoàn tình nguyện từ nơi khác đến.

Nhóm thứ hai có sự tham gia của liên hiệp hội, các hội đoàn, đại sứ quán và tổng lãnh sự quán có nhiệm vụ điều phối, đảm bảo thông suốt thông tin và cứu trợ hiệu quả.

Nhóm thứ ba gồm lãnh đạo các hội đoàn người Việt và hội đoàn địa phương, tập trung vận động nguồn lực cho cứu trợ.

Nhóm các thực tập sinh của Kpa H Muội và Thúy Loan bày tỏ xúc động, cảm ơn các đoàn người Việt đã không quản ngại khó khăn, lao vào tâm chấn hỗ trợ bất kể ngày đêm.

Họ như được tiếp thêm sức mạnh nhờ tình người trong hoạn nạn dẫu biết sẽ mất nhiều thời gian vực dậy sau thảm họa.

"Ở nơi xa xứ nhận được tấm lòng hảo tâm của đồng hương, chúng tôi thực sự cảm động", Muội nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO