Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia

20/09/2024 18:21

Năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng lên 9,3 lít. Gánh nặng bệnh tật do rượu bia tăng nhanh trong khi tại các nước Đông Nam Á đi ngang.

Thông tin được Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo về sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường diễn ra sáng 20/9 tại Hà Nội.

"Tăng dựng đứng", "tăng quá nhanh" là những từ được chuyên gia liên tục nhấn mạnh khi nói về mức tiêu thụ rượu bia tại nước ta hiện nay. Theo Thạc sĩ Lâm, trong khi tình hình sử dụng rượu bia trên thế giới có xu hướng giảm chung thì Việt Nam lại tăng nhanh.

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia - 1

Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (+15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam (Nguồn: WHO).

Năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng thành 9,3 lít; tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu. Mức tiêu thụ rượu bia như vậy ở Việt Nam là quá nhiều.

"Điều này còn thể hiện qua sản lượng bia tăng quá nhanh, tăng dựng đứng. Cụ thể, năm 2000, sản lượng bia tại Việt Nam là 779 triệu lít thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên gần 4,5 tỷ lít, từ đó kéo theo nhiều bệnh.

Gánh nặng bệnh tật do rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh trong khi tại các nước Đông Nam Á đi ngang. Ước tính sử dụng rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong trong năm 2021", chuyên gia của WHO nhấn mạnh.

Tiêu thụ rượu bia tăng cao do giá rượu bia không tăng kịp so với thu nhập, nhìn chung giá có xu hướng giảm.

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia - 2

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng WHO tại Việt Nam (Ảnh: N.N)

Bên cạnh đó, sau một thời gian giảm, xu hướng tiêu dùng thuốc lá tại nước ta cũng bắt đầu gia tăng.

Cụ thể, theo Thạc sĩ Lâm, năm 2010 tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta là 47%, đến năm 2015 là 45%, năm 2021 là 41%, tuy nhiên ước tính hiện nay, tỷ lệ này bắt đầu đi lên nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp về thuế.

Theo đó, con số này có thể tăng lên 43% vào năm 2030, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất và tiêu dùng tăng lên

Các biện pháp kiểm soát (như in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá…) đã phát huy tác dụng ở một mức nhất định nhưng chưa đủ. Đến nay các biện pháp này tương đối bão hòa, cảnh báo quen thuộc, không có gì đột phá ngoài thuế thuốc lá.

Thuế thuốc lá của nước ta hiện nay quá thấp, nên giá thuốc lá cũng cực kỳ thấp, khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao.

Bộ Y tế đề xuất áp mức thuế cao hơn với thuốc lá, đồ uống có đường 

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi tiêu dùng.

Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.

Với mặt hàng thuốc lá, theo đề xuất của Bộ Tài chính, với 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỷ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ.

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia - 3

Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá của Bộ Y tế (Ảnh chụp màn hình).

Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.

Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.

Với đồ uống có đường, dự thảo đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, theo tính toán với mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Mức tăng giá bán lẻ như vậy là không đáng kể, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng.

Ví dụ, sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/chai sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt có giá bán là 10.500 đồng/chai.

Theo khuyến cáo của WHO, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng, nhập khẩu phải là 40%.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia - 4

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh: N.N).

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường là sản phẩm có hại. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa các mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng.

Dự kiến tháng 10, dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc Hội và thông qua vào tháng 5/2025.

"Luật này là sự đấu tranh mâu thuẫn lợi ích rất lớn giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ chăm sóc sức khỏe, tăng thu cho ngân sách. Vì thế, luật được sự quan tâm của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp", bà Thủy nói.

Bộ Y tế liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế tuy nhiên Bộ cũng nhận được đề nghị của WHO và nhiều tổ chức tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới có điều kiện tương đồng.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO