Tôi được đọc Đoàn Giỏi từ những ngày là học trò tiểu học. Văn của ông hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ Đoàn Giỏi mà người đọc được thả hồn vào nơi xa xôi phía sau Vĩ tuyến 17 mờ mịt… Tầm mắt được mở rộng như nhìn thấy sông Tiền, sông Hậu mêng mang… Tai như nghe thấy tiếng gió thổi qua khóm lá dừa nước xanh biếc và văng vẳng tiếng đàn kìm, giọng ca vọng cổ đâu đây…
Ngày ấy chưa có ti vi, chưa có phim ảnh về các vùng đất nước… Cuốn Đất rừng phương Nam với cuộc phiêu lưu hấp dẫn của chú bé An đã đến với học trò miền Bắc thập niên 60 như món quà kỳ diệu thỏa lòng mơ ước bay xa của những tâm hồn chim non mới tập bay.
Vào lúc đất nước còn bị chia cắt Bắc Nam, Đất rừng phương Nam là một lời kêu gọi nóng bỏng, thôi thúc hàng triệu trái tim muốn ra đi, muốn được đặt chân đến tận mũi Cà Mau, đến rừng U Minh để biết một vùng rừng ngập mặn, để được gặp gỡ với những con người nhân hậu hào phóng. Cùng với Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi còn có một loạt các truyện, ký như Ngọn tầm vông (Truyện ký 1956); Cá bống mú (Truyện 1956)… Đã được viết trong nỗi đau, nỗi nhớ da diết vời vợi của người Nam bộ xa quê. Đoàn Giỏi quê ở Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang.
Thuở niên thiếu Đoàn Giỏi được gia đình cho đi ăn học ở Sài Gòn Gia Định. Kháng chiến bùng nổ ông tham gia kháng chiến và đã sáng tác những tác phẩm Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ,1947); Khí hùng đất nước ( kí, 1948); Chiến sĩ Tháp Mười (kịch thơ,1949)… Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 đã đưa Đoàn Giỏi theo đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Nhà văn người gốc Nam bộ ấy đã viết Đất rừng phương Nam trong hoàn cảnh: “Bấy giờ nhu cầu cấp thiết của ta là thống nhất đất nước, 80 năm thực dân đô hộ, việc liên lạc Bắc Nam rất khó khăn, người có thiện tâm thiện chí ở Miền Bắc có lẽ chỉ hình dung lại mơ màng sự trù phú của phía Nam. Đoàn Giỏi đã giới thiệu cụ thể đất rừng phương Nam với tư liệu thuyết phục và quyển truyện của anh ra ngay trong lúc nước lửa hiểm nghèo”.
Giờ đây sau 65 năm đọc lại Đất rừng phương Nam tôi chợt nảy ra câu hỏi: Vậy phải chăng, cuốn Đất rừng phương Nam chỉ là một cuốn sách giới thiệu đất nước con người phương Nam, và chỉ lạ lùng hấp dẫn người đọc khi việc đi lại trên đất nước hình chữ S này còn bị ngăn trở, Bắc Nam chưa liền một dải? Cũng là nhà văn Nam bộ, Đoàn Giỏi có gì khác Nguyễn Quang Sáng? Và, cho đến hôm nay, khi người đọc cả nước đã biết nhiều hơn về Nam bộ qua những tác phẩm Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… Vì sao Đất rừng phương Nam vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn học Việt Nam?
Ngược trở lại thời điểm nhà văn Đoàn Giỏi một tác giả miền Nam tập kết ra Bắc bắt đầu hòa nhập với giới “danh sĩ Bắc Hà”, ta sẽ thấy sự ảnh hưởng của các nhà văn đàn anh với ông. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (hơn nhà văn Đoàn Giỏi 13 tuổi) khi đó là giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng (mới thành lập) đã đặt nhà văn Đoàn Giỏi viết một cuốn sách về thiếu nhi Miền Nam. Năm 1957 cuốn sách ra đời đã thành công vang dội. Đây là cuốn sách đầu tiên nhà văn Đoàn Giỏi viết cho trẻ em nên ông rất nhớ ơn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Năm 1960 lúc nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời, trong bài viết “Nguyễn Huy Tưởng – một người thầy – một người bạn – một người anh”, Đoàn Giỏi đã bộc bạch: “Điều anh luôn nhắc nhở tôi là chú trọng sắc thái địa phương nhưng đừng có abusé (lạm dụng) ngôn ngữ, luôn dặn dò tôi phải chịu khó ghi chép hàng ngày (như Tô Hoài) và “khiêm tốn học tập”. Nói chuyện công việc nghề nghiệp, anh phân tích kỹ thế nào là cá tính và tính cách nhân vật, thế nào là đột phát, xếp intrigue (tình tiết) là thế nào, để làm gì…
Quả thật với những lời khuyên chí tình như thế nhà văn Đoàn Giỏi đã sáng tạo ra một lối viết văn riêng biệt trong Đất rừng phương Nam. Ngôn ngữ văn phong của cuốn sách thật đậm đà phong vị Nam bộ, mà hòa nhập cùng một dòng chảy chung của ngôn ngữ Việt Nam…
Giọng nói Nam bộ trong Đất rừng phương Nam chỉ xuất hiện ở những câu đối thoại thể hiện tiếng nói của nhân vật. Trong những đoạn dẫn chuyện, miêu tả của tác giả, Đoàn Giỏi hoàn toàn viết bằng một ngôn ngữ chuẩn mực tiếng Việt. Nhớ đến những trang văn Đất rừng phương Nam là trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng câu văn tâm sự của An trong cuộc phiêu dạt trên miền sông nước: “Mình như chiếc lá rơi xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình đi tới đó”… Đó là tiếng lòng đồng cảm của Đoàn Giỏi trước số phận của những đứa trẻ ngây thơ non nớt bị lâm vào cảnh bơ vơ trong cuộc kháng chiến. Chiến tranh thực sự là đau khổ, những đứa trẻ phải sống trong cuộc chiến tranh bị lạc khỏi bàn tay ôm ấp của mẹ cha, đột nhiên phải đối mặt với những thử thách vượt quá sức chịu đựng của một tâm hồn non dại.
Nhân vật chính trong Đất rừng phương Nam chú bé An là đứa trẻ bị lạc trong chiến tranh. An phải đi ở cho một bà bán quán rượu. Thế rồi quán rượu lâm nạn bị thiêu đốt cháy hết… Trong loạn lạc An gặp được Ông già bắn rắn, được ông nhận làm con nuôi. An được theo gia đình bố nuôi đi khắp đất rừng phương Nam ở miền Tây Nam bộ. Trong cuộc phiêu lưu An còn được gặp gỡ chú Võ Tòng. Đó là những người Nam bộ nghĩa hiệp hào sảng nổi bật lên trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ bí ẩn. Ông già bắt rắn cùng với chú Võ Tòng thực sự hấp dẫn An. Từ một cậu học trò ngây thơ sống trong tổ ấm gia đình, An đã được nếm trải đời sống dữ dội ở đất rừng, cùng chia ngọt sẻ bùi với con người nơi ấy. Ngòi bút Đoàn Giỏi chẳng những tả thiên nhiên ấn tượng, mà tả người cũng rất tinh tế, sắc sảo. Nhân vật chú Võ Tòng hiện ra với dị tướng:“ Một người đàn ông, cổ lộ hầu, đen như cột nhà cháy, cởi trần, cao lêu đêu , đang hiện ra trước lửa. Hai hố mắt ông ta sâu hoắm và từ trong đáy hố mắt sau đó, một cặp mắt trong trắng dã, long qua long lại, sắc như dao. Mái tóc hung hung như bờm ngựa phủ dài xuống gáy.”
Bà Ina Zimonhina (Nga) đã nhận xét: “Trong các nhà văn đương đại Nam bộ. Đoàn Giỏi là người có cá tính, nhân vật của anh dữ dội, hào hiệp, điển hình cho vùng chín nhánh sông Cửu Long”.
Nhân vật chú bé An đã được trải nghiệm sống với những con người có bề ngoài dữ dội mà tâm hồn nhân hậu. An đã được học cách nhìn người biết nhận ra tính tình bên trong của con người thông qua cách ứng xử, cách hành động của người ấy. Tác giả Đoàn Giỏi đã có ý thức dụng công nghệ thuật để viết truyện cho trẻ em. Ông đã biết sắp đặt mọi tình tiết của cuốn sách để tạo ra một khung cảnh sống khác biệt của chú bé An trong rừng Nam bộ. Một khung cảnh sống độc đáo với những nghề rất lạ như bắt rắn, lấy mật ong, săn cá sấu… Cảnh sống trong rừng U Minh đó lại diễn ra giữa lúc đất nước đang có chiến tranh đối chọi với quân Pháp.
Có thể nói Đất rừng phương Nam một cuốn sách đặc sắc viết về thân phận trẻ em trong chiến tranh. Nhân vật chú bé An của Đoàn Giỏi không phải là những chiến sĩ “Vệ Quốc Đoàn con nít” trực tiếp tham gia chiến đấu như các nhân vật Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Thế nhưng An đã là một đứa trẻ đã có tuổi thơ trải nghiệm trong cuộc kháng chiến. Trong thử thách của cuộc kháng chiến An đã lớn lên và trở thành một con người mang khí chất Đất rừng phương Nam biết dấn thân hào sảng nghĩa hiệp. Đó là ý nghĩa sâu sắc của cuốn sách với trẻ em đã được nhà văn Đoàn Giỏi diễn đạt thật tinh tế sinh động hấp dẫn. Nhà thơ Tế Hanh đã cho rằng: “… Khi tác giả viết chắc chỉ với mục đích là viết cho các em. Có lẽ anh không ngờ rằng người lớn đọc cũng rất thú vị… Không có cuốn sách nào mà trẻ con thích người lớn không thích, vì người lớn nào mà chẳng từng là trẻ con? Với điều kiện tác giả viết nó như viết một tác phẩm văn học thực sự.”
Đoàn Giỏi là người vui tính sống phóng khoáng mà không hề cẩu thả trong nề nếp ứng xử. Ông rất lịch thiệp trân trọng người trẻ đáng tuổi con cháu mình… Cho đến tận bây giờ, đôi khi trong lúc đọc lại các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, tôi thấy như hiển hiện trước mắt tôi hình ảnh ông bơi như con cá Hổ kình trong làn nước biển Nha Trang xanh trong… Thế rồi vào một ngày cuối xuân năm 1989, nhà thơ Phạm Hổ xúc động báo tin buồn tới Nhà xuất bản Kim Đồng: “Anh Đoàn Giỏi mất…”. Ông đã từ trần ngày 2 tháng 4 năm 1989 vì bệnh ung thư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhớ mãi buổi Lễ truy điệu nhà văn Đoàn Giỏi do Hội Nhà văn tổ chức tại trụ sở 65 Nguyễn Du. Các nhà văn ở Hà Nội mến mộ nhà văn Đoàn Giỏi đã tập trung rất đông đủ. Tất cả lắng nghe bài điếu văn khóc bạn rất cảm động của nhà thơ Phạm Hổ. Hôm nay ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn cảm thấy một niềm tiếc thương khôn nguôi trước tài văn Đoàn Giỏi đã ra đi quá sớm (Ông mất năm 1989, lúc đó 64 tuổi). Với tài ấy, tầm ấy đáng lẽ ra ông sẽ có thể sáng tạo những tác phẩm lớn hơn những gì ông đã để lại cho đời.
LÊ PHƯƠNG LIÊN