Sáng nay, ngày 2/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo (34 tuổi, ngụ quận 7) về tội Gây rối trật tự công cộng.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4) bị xét xử về tội Gây rối trật tự công cộng và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Tuấn Anh làm chủ tọa. Bị cáo Ngọc Trinh có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Đông có 1 luật sư bào chữa.
Theo cáo buộc, Ngọc Trinh và Xuân Đông được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ: "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải", theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Ngọc Trinh và đồng phạm bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội từ 2 lần trở lên.
Với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trên, Ngọc Trinh có khả năng được hưởng án treo hay không?
Theo luật pháp quy định, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, chế định về án treo được quy định tại Điều 65, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2, Nghị định 02/2018/NQ-HĐTP.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 5, Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP xác định rõ các trường hợp không cho phép hưởng án treo. Trong đó, một trong những trường hợp không cho hưởng án treo bao gồm việc người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trừ khi người đó là người dưới 18 tuổi. Với quy định trên, bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh không được hưởng án treo.
Theo cáo buộc, Ngọc Trinh bàn bạc cùng Trần Xuân Đông chuẩn bị mô tô phân khối lớn, lựa chọn địa điểm. Đồng thời, Trinh phân công, chỉ đạo cho trợ lý và một số người khác chuẩn bị điện thoại, flycam để quay phim.
Ngày 5/9/2023, ngày 6/9/2023 và ngày 6/10/2023, Trinh và Đông đã có hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, di chuyển trên nhiều tuyến đường giao thông công cộng trên địa bàn TP Thủ Đức. Sau đó, Ngọc Trinh biên tập lại và đăng tải lên các trang mạng cá nhân có số lượng người theo dõi, bình luận và tương tác đặc biệt lớn gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Ngày 11/10/2023, Ban an toàn giao thông phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức có văn bản đề nghị Công an TPHCM xử lý hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông của Ngọc Trinh.
Tương tự, ngày 13/10/2023, UBND phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức có văn bản đề nghị Công an TPHCM xử lý hành vi của Ngọc Trinh gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Do Ngọc Trinh đăng tải, phát tán các clip lên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống, văn hóa của giới trẻ, đặc biệt các tài khoản của bị can này có hàng triệu người theo dõi.
Từ đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM vào cuộc khởi tố, bắt tạm giam Ngọc Trinh và đồng phạm. Tại cơ quan điều tra, Ngọc Trinh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.
Quá trình điều tra, Công an TPHCM đã thu giữ 4 môtô. Quá trình xác minh, có 3 môtô không lưu trữ thông tin số khung, số máy; thông tin nhập khẩu và qua giám định các biển số trên là giả. Một xe còn lại là của Trinh mượn của ông N.P.V.. Do ông V. không biết Trinh mượn xe để sử dụng và phạm tội nên CQĐT đã chuyển hồ sơ cho Công an TP Thủ Đức xử phạt hành chính.
Làm việc với nhà chức trách, Đông khai 3 môtô trên mua của các đối tượng không rõ lai lịch. Khi mua, Đông biết giấy tờ xe là giả nhưng do ham rẻ và cần để sử dụng nên đồng ý mua.
Cũng theo cáo trạng, hành vi Gây rối trật tự công cộng của hai bị can Trinh và Đông là xâm phạm đến trật tự công cộng, đe dọa tính mạng, sức khỏe người khác; gây mất an ninh trật tự cho xã hội.
Đối với trợ lý và một số người giúp cho Ngọc Trinh thực hiện hành vi trên, nhà chức trách cho rằng trong nhận thức chủ quan của những người này chỉ là người làm thuê theo yêu cầu của Trinh. Do đó, việc quay phim của họ đưa lên mạng xã hội không có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.
Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý hình sự nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều này như có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hay tái phạm nguy hiểm... khung hình phạt áp dụng sẽ là 2-7 năm tù giam.
Về việc tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định về những trường hợp áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ dành cho người bị kết tội. Còn theo quy định tại Điều 54 Bộ luật này, tòa án có thể quyết định mức phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn (Khoản 1, Điều 318 có khung hình phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm tù) của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu bị cáo Ngọc Trinh thỏa mãn các điều kiện trên thì tòa có thể áp dụng và tuyên phạt mức án dưới khung bị truy tố (dưới 2 năm tù) nhưng không được thấp hơn 5 triệu đồng.