“Giọng nói trầm không phù hợp lồng tiếng cho TVC”, “Cơ thể thô cứng khó diện váy áo bó sát”, “Khuôn mặt góc cạnh, quá nam tính so với bộ sưu tập nữ”, người mẫu chuyển giới Mymy (23 tuổi, TP.HCM) nhớ lại những lời nhận xét về mình.
Chia sẻ với Zing, Mymy thừa nhận cơ hội xuất hiện trong các buổi photoshoot, show thời trang của người chuyển giới thấp hơn nhiều so với mẫu hợp giới. Tỷ lệ transgirl, transguy xuất hiện tại các buổi trình diễn trong nước chiếm chưa tới 1% tổng số nghệ sĩ tham dự.
Điều tương tự xảy ra với người mẫu bạch tạng, khuyết tật và ngoại cỡ. Sự đa dạng hóa trong lĩnh vực thời trang trên thế giới và tại Việt Nam vẫn là vấn đề nhức nhối.
Theo nhà thiết kế Hà Duy, hoa hậu, siêu mẫu vẫn là lực lượng catwalk chính, khó thay thế tại show trong nước. Phần lớn khán giả, khách hàng vẫn ưa chuộng chiêm ngưỡng người mẫu sở hữu khuôn mặt, tỷ lệ cơ thể “tiêu chuẩn”.
Mymy thừa nhận rằng người mẫu chuyển giới gặp nhiều bất lợi hơn người hợp giới trong lĩnh vực thời trang. |
Khó khăn khó nói
Hoạt động trong lĩnh vực thời trang với vai trò người mẫu, Mymy nhận thấy nhiều bất lợi của mẫu chuyển giới so với người hợp giới. Điều này đến từ tâm lý ái ngại của nhãn hàng, giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế và đặc điểm ngoại hình của transgirl, transguy.
Cụ thể, Mymy từng nhận yêu cầu giấu đi bộ phận sinh dục và xử lý lông trên cơ thể để tham gia vào các bộ hình, buổi trình diễn. Đối với một số mẫu váy áo, cô cũng phải sử dụng miếng độn ngực, quần nâng vòng 3 để khiến bộ đồ “trông nữ tính hơn”.
Với những đặc điểm ngoại hình như vai thô, hông bé, người chuyển giới nữ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn trang phục hàng ngày. Khi họ tham gia trình diễn trong show thời trang, váy áo phải chỉnh sửa nhiều lần mới vừa vặn, tạo ra tâm lý ngại hợp tác đối với các nhà tạo mẫu.
Tương tự Mymy, Hải Thanh Lan (18 tuổi, TP.HCM) cũng nhiều lần trượt model casting (tuyển chọn người mẫu) vì đặc điểm sinh học giới. Do chưa thực hiện nâng ngực và đại phẫu chuyển đổi giới tính, cô không được công nhận là NMCG (người mẫu chuyển giới).
“Cơ hội trình diễn của transgirl vốn thấp. Đối với tôi, khó khăn càng chồng chất khó khăn khi chưa chính thức phẫu thuật”, Thanh Lan nói.
Để dễ tìm show hơn, cô phải định hình bản thân là người mẫu unisex (phi giới tính). Đây là nỗ lực của Thanh Lan nhằm kiếm thêm thu nhập khi quyết định gắn bó lâu dài với sàn runway.
Hải Thanh Lan định hình bản thân là người mẫu unisex để dễ kiếm show, gia tăng thu nhập. |
Giống như Mymy và Hải Thanh Lan, người mẫu ngoại cỡ Trương Diễm Quỳnh cũng gặp nhiều bất lợi khi theo đuổi con đường thời trang chuyên nghiệp. Cô cho biết nhu cầu về mẫu plus-size tại Việt Nam còn tương đối thấp.
Ngành thời trang trong nước vẫn chưa quan tâm nhiều đến khách hàng ngoại cỡ. Số lượng thương hiệu áo quần bigsize chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, người mẫu sở hữu chỉ số cân nặng lớn vẫn chưa có “đất diễn”.
Theo Diễm Quỳnh, do thiếu cơ hội tiếp cận sàn runway, phần lớn mẫu ngoại cỡ Việt khó cải thiện kỹ năng catwalk. Khả năng trình diễn của người mẫu plus-size vẫn còn hạn chế, chưa được nhà thiết kế tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” tại các show thời trang lớn.
Điều đó khiến Quỳnh chỉ nhận được số lượng dự án hạn chế, thù lao cũng không cao và đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của cuộc sống. Cô phải làm thêm 2-3 công việc khác, bao gồm mở một tiệm xăm, để kiếm thêm thu nhập.
“Ít người mẫu ngoại cỡ chỉ sống nhờ các show thời trang. Chúng tôi phải thực hiện nhiều công việc cùng lúc để trang trải cuộc sống”, Diễm Quỳnh chia sẻ.
Tín hiệu tích cực
Trong buổi trình diễn giới thiệu bộ sưu tập Xuân/Hè 2020, nhà thiết kế Hà Duy sử dụng người mẫu ngoại cỡ và cao tuổi. Đây cũng là một trong những show thời trang đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của mẫu plus-size trong nước.
Tiếp đó, Hà Duy cũng kết hợp với người mẫu bạch tạng Quỳnh Ngô và cô gái khuyết tật Hà Phương trong các buổi trình diễn, bộ hình thời trang. Cuối tháng 3/2023, nhà thiết kế này trình làng bộ sưu tập làm bằng chất liệu sứ, hợp tác riêng với Quỳnh Ngô.
Vào năm 2020, nhiều người mẫu ngoại cỡ, bao gồm Trương Diễm Quỳnh, đã xuất hiện trên sàn diễn của thương hiệu SIXDO (sáng lập bởi nhà tạo mẫu Đỗ Mạnh Cường). Đây là nỗ lực của nhà thiết kế này trong việc hướng đến sự đa dạng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu.
“Đây là lần đầu tôi sải chân trên một sân khấu quy mô, trình diễn trang phục của thương hiệu danh tiếng”, Diễm Quỳnh cho biết.
Trương Diễm Quỳnh góp mặt trong show thời trang của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường vào năm 2020. |
Theo Quỳnh, mỗi thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang không thể diễn ra trong thời gian ngắn. Là một người mẫu plus-size, cô vẫn kiên nhẫn và chăm chỉ hoạt động để “chờ thời”.
Thường xuyên góp mặt trong show thời trang của các nhà thiết kế mới nổi và thương hiệu trẻ, Mymy khẳng định rằng cơ hội cho người mẫu chuyển giới hiện nay nhiều hơn so với 2-3 năm trước.
Lo sợ phản ứng của khán giả trước khi trình diễn, song Mymy nhận được nhiều lời cổ vũ, tán dương hơn dự đoán. Một số người thậm chí còn hô tên cô, reo hò khi Mymy sải bước trên đường băng.
“Tôi bất ngờ khi một người xem gọi tên Kitty Mymy và cả khán phòng hò reo theo. Tôi tưởng rằng khán giả chỉ biết đến hoa hậu, siêu mẫu”, cô bồi hồi kể lại.
Hợp tác với người mẫu khác biệt không dễ
Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Hà Duy khẳng định rằng phần lớn khách hàng thời trang hiện nay vẫn muốn chiêm ngưỡng người mẫu sở hữu hình thể “đồng hồ cát”. Thậm chí, người tiêu dùng ngoại cỡ cũng có nhu cầu nhìn váy áo được diện bởi mẫu mảnh khảnh.
“Do thị hiếu khán giả, nhiều nhà tạo mẫu, thương hiệu ưa chuộng hoa hậu, siêu mẫu gầy gò và mẫu Tây. Đây là tình trạng chung, khó thay đổi của ngành công nghiệp thời trang trong nhiều năm nay”, Hà Duy nói.
Khi tiên phong sử dụng những người trình diễn khác biệt (bạch tạng, khiếm khuyết và ngoại cỡ), nhà thiết kế này chấp nhận hy sinh doanh số bán hàng. Đối với Hà Duy, đây là hành động đánh đổi lợi ích tức thời với mục tiêu dài hạn.
Cụ thể, về lâu dài, các dự án thời trang hợp tác với người mẫu khác biệt có thể góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời trở thành phương pháp truyền thông hiệu quả cho nhãn hàng.
Người mẫu bạch tạng và khuyết tật xuất hiện trong các dự án thời trang của nhà thiết kế Hà Duy. |
Theo Hà Duy, các nhà thiết kế cần lưu ý một số vấn đề khi làm việc cùng các người mẫu đặc biệt. 2 điều cần thực hiện là lắng nghe mong muốn và đưa ra lời động viên để họ thoải mái, tự tin thể hiện bản thân.
Thứ nhất, mẫu chuyển giới, ngoại cỡ có những nhu cầu, mong muốn khác với người hợp giới, sở hữu hình thể mảnh khảnh. Nhà tạo mẫu cần dành thời gian lắng nghe và đáp ứng nhu cầu, tránh khiến họ cảm thấy bị phân biệt, đối xử bất công.
Thứ hai, trước khi người mẫu khác biệt xuất hiện trước công chúng, nhà thiết kế là người đầu tiên cổ vũ, củng cố tinh thần cho họ.
Mẫu khiếm khuyết hoặc ngoại cỡ thường che giấu những đặc điểm hình thể mà họ cho là khuyết điểm. Tuy vậy, đó mới là yếu tố làm nên vẻ đẹp độc đáo, không trùng lặp, theo Hà Duy.