Từ khoảng mùng 10 đến 25 tháng Chạp âm lịch, khu vực nghĩa trang Yên Kỳ và Bất Bạt (huyện Ba Vì, Hà Nội) lại nườm nượp người dân đến dọn dẹp phần mộ, sắp lễ thắp hương ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất.
Ngày tảo mộ mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ngoài ra cũng là dịp để các gia đình ở xa sum vầy, cùng nhau nhớ về cội nguồn.
Theo ghi nhận của Dân Trí, ngày 3/2 (tức 25 tháng Chạp) nhiều gia đình từ khắp nơi về nghĩa trang Bất Bạt tảo mộ.
Chỉ chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều người tranh thủ ngày cuối tuần, từ sớm đã chuẩn bị trà, rượu, vàng mã, trầu cau, nhang và trái cây để sắp lễ. Nhiều người cũng không quên phát quang cây dại, lau dọn phần mộ người thân.
Sau 2 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm Hà Nội, gia đình anh Vũ Đức Nam (trú tại quận Hoàn Kiếm) có mặt tại nghĩa trang Bất Bạt để tảo mộ ông bà, tổ tiên.
"Nay tôi đi cùng mẹ và các cháu lên mời bố và các cụ về ăn Tết. Hàng năm, gia đình tôi luôn sắp xếp công việc, có mặt đầy đủ con cháu để thắp nén hương thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên", anh Nam cho biết.
Đây là dịp để con, cháu trong nhà bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thể hiện sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình.
Cách đây một tuần, anh Hoàng Văn Hải (trú tại quận Hoàng Mai) cùng em trai đi thăm mộ thì phát hiện ra nền gạch quanh ngôi mộ của người thân bị bật lên, vỡ nát. Sau khi tìm hiểu, sự cố do gốc cây bên cạnh mọc sâu, bám rễ sát vào phần mộ gây ra, gia đình anh Hải phải thuê người đào cây lên để chỉnh trang phần mộ bằng phẳng, sạch sẽ.
Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Thanh Long (trú tại quận Thanh Xuân) đều đặn di chuyển quãng đường 70km về nghĩa trang thăm viếng mộ tổ tiên 2 lần, vào dịp tảo mộ cuối năm và Tết Thanh minh.
Anh Long cho hay: "Với tôi, ngày tảo mộ là dịp để mỗi người chúng ta nhớ về tổ tiên của mình để con cháu ghi nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta".
Chị Kiều Trinh cùng gia đình gồm nhiều thế hệ con cháu về dọn dẹp và làm lễ. Chị Trinh chia sẻ: "Những ngôi mộ sạch sẽ, tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên".
Tảo mộ cuối năm là phong tục lâu đời của người dân Việt Nam. Các gia đình sẽ sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết, sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đây cũng là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và giãi bày những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua.