Ngày 17/6, các hộ dân ở huyện Hóc Môn vẫn đang chuẩn bị trả mặt bằng cho dự án Vành đai 3. Giữa trưa nắng nóng, công tác tháo mái nhà, đập tường, di dời đồ đạc của hàng chục công nhân vẫn diễn ra liên tục.
Bên cạnh các hộ gia đình chuyển đi nơi khác tái định cư, một vài gia đình chọn cách gói ghém đồ đạc, lùi sâu vào phần đất còn lại bên trong nhằm nhường mặt bằng cho Vành đai 3.
13h30, 2 chị em bà Liến (60 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) vẫn đứng quan sát căn nhà sắp giải tỏa. Gần một tuần qua, gia đình bà Lệ (em bà Liến) đã tích cực thu hồi và đập phá 3 ki ốt cho thuê nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Bứa. Riêng căn nhà chính bà dự kiến tháo dỡ vào tuần tới, sau khi gia đình tìm được khu ở mới.
Theo đó, từ năm 1976, nhà bà có tổng cộng 11 anh chị em cùng chung sống trên mảnh đất diện tích 250m2. Hiện nay, gia đình bà đã được nhận đền bù 35,6 triệu đồng/m2 cho đất thổ cư và hơn 5 triệu đồng cho diện tích đất nông nghiệp. "Tổng cộng gia đình tôi nhận 13,9 tỷ đồng. Số tiền này đã được anh chị mua 2 miếng đất tái định cư. Trong quá trình đợi xây dựng, chúng tôi sẽ ở trọ cho đến khi nhà mới hoàn thiện", bà Lệ tâm sự.
Bên cạnh những hộ dân đã di dời, 15 hộ ở huyện Hóc Môn vẫn đang kiến nghị mức giá đền bù và chờ địa phương giải quyết.
Theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt (70 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), gia đình bà đã sinh sống trên mảnh đất từ lâu, sở hữu sổ đỏ nên không đồng ý với mức đền bù hơn 5 triệu đồng/m2.
Dự án Vành đai 3 sẽ khởi công vào sáng mai, 18/6, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng.
Tại TPHCM, Vành đai 3 sẽ có chiều dài hơn 47 km, qua TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Với tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 410 ha, dự án khiến gần 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng.
Đến ngày 15/6, theo cáo tiến độ thì dự án đoạn qua TPHCM đã thu hồi 356 ha mặt bằng (đạt khoảng 87%), vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, huyện Hóc Môn đạt tỷ lệ thu hồi cao nhất 94/98,9 ha (đạt khoảng 95%), kế đó đến huyện Bình Chánh 134,3/145,9 ha (đạt khoảng 92%), huyện Củ Chi 54,2/65,3 ha (đạt khoảng 83%) và TP Thủ Đức đã thu hồi 72,8/99,8 ha (đạt khoảng 73%).