Khốn khổ vì cúp điện
Khoảng gần 2 tuần trở lại đây, nhiều địa phương thuộc tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng mất điện luân phiên khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Tình trạng cắt điện luân phiên xảy ra nhiều hơn ở các khu vực nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Nam (trú xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, khu vực nhà anh mất điện thường xuyên và mất trong thời gian dài. Tình trạng mất điện xảy ra vào những ngày nắng nóng 38-39 độ C khiến người già, trẻ em khốn đốn.
"Có ngày mất điện từ 11h30 đến 20h30. Chưa kịp mừng thì 10 phút sau điện mất, một lát lại có, cứ như vậy cho đến 0h40 phút ngày hôm sau. Một buổi tối mất điện đến 8 lần, dân làm sao chịu nổi!", anh Nam cho hay.
Chị Trần Thị Long (trú thành phố Vinh, Nghệ An) tranh thủ nghỉ hè đưa con về quê tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu chơi nhưng niềm vui về quê mới nhen nhóm thì lũ trẻ thi nhau kêu khóc vì... quá nóng.
"Cứ cách một ngày mất điện một lần hoặc một ngày mất điện nửa ngày, chủ yếu từ 9h đến 15-16h, có hôm mất điện đến gần nửa đêm. Ở quê làm gì có điều kiện mua máy phát điện, nhà thì đông, một cái quạt tích điện cũng không đủ. Chiều tối hay buổi đêm có thể ra sân, ra đồng hóng mát chứ giữa trưa nắng gần 40 độ thì chịu chết", chị Long kể.
Em gái chị Long mới sinh em bé được gần một tháng cũng khốn khổ với tình trạng mất điện. Con còn bé quá, mẹ lại trong thời gian ở cữ, chưa mua được quạt tích điện. Căn phòng nhỏ "om" nóng khiến em bé nổi rôm sảy, quấy khóc, cả nhà thay nhau dùng quạt nan để quạt cho bé.
Tương tự, tình trạng mất điện cũng diễn ra thường xuyên tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). "Có hôm nhận được tin nhắn thông báo lịch cắt điện của điện lực, hôm thì không nhận được. Điện mất từ 7-8h đến tận gần nửa đêm", bà Hoàng Thị Hồng (trú xã Hưng Tây) chia sẻ.
Tìm cách thích ứng
Hai ngày đầu, cả gia đình bà Hồng phải mua đồ ăn sẵn hay bún, bánh cho bữa trưa, bữa tối. Đến ngày thứ 3, cứ 6h, người phụ nữ này đã lo đi cắm cơm, nấu một bữa cho cả ngày. Nhà có quạt tích điện nhưng chỉ dám dùng vào buổi trưa, lúc nắng nóng cao điểm hoặc dành tối cho cháu ngủ bởi không biết đến lúc nào mới có điện trở lại.
Mất điện thường xuyên khiến việc ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi của người dân bị ảnh hưởng nhưng người dân đang cố gắng thích ứng với tình trạng này. Anh Trần Văn Cường (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, ngay đầu mùa nắng nóng, cắt điện luân phiên, anh đầu tư một máy phát điện trị giá gần 9 triệu đồng.
"Trung bình mỗi ngày chỗ tôi ở bị cắt điện 4-5 tiếng, thời gian cắt điện luân phiên giữa các xã. Nhà tôi có bố mẹ già, 3 con nhỏ nên khi mất điện phải dùng máy phát. Mỗi tiếng máy phát tiêu thụ 1,2-1,5 lít xăng, 5 tiếng mất khoảng 150.000 đồng tiền xăng. Biết là sẽ tốn thêm một khoản nhưng trong tình thế này không còn cách nào khác", anh Cường cho hay.
Mỗi khi mất điện, nhà anh Cường trở thành "trung tâm" của cả xóm, người xách nồi cơm, người xách quạt tích điện, điện thoại... đến cắm nhờ.
Còn ông Nguyễn Khắc Minh (trú xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn, Nghệ An) lại đối phó với tình trạng mất điện bằng cách riêng. Ông Minh làm thợ xây, được vợ chồng người con trai biếu chiếc áo điều hòa để đỡ nóng khi làm việc. Hôm nào giữa trưa mất điện, ông Minh mặc áo điều hòa tranh thủ chợp mắt để lấy sức chiều đi làm.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, trong tháng 5 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh là hơn 437 triệu kWh, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Con số này vượt sản lượng tiêu thụ tháng 6/2022 - tháng cao điểm nắng nóng (393 triệu kWh). Riêng ngày 23/5, sản lượng tiêu thụ cao nhất tháng, lên tới 17,7 triệu kWh.
Để đối phó với tình trạng thiếu điện, Điện lực Nghệ An phải thực hiện ngừng cấp điện (theo thời điểm). Riêng ngày 7/6, đơn vị này dự kiến ngừng cấp điện tại nhiều khu vực thuộc 19/21 huyện, thành, thị.