Người đàn ông cô đơn trên đường phố Australia

Trần Chánh Nghĩa| 20/07/2023 07:00

Lần nào chúng tôi đi chợ người Việt - chợ Innala (Brisbane, Australia) đều gặp ông ngồi ở đó. Chưa lần nào tôi thấy ai bỏ tiền vào chiếc nón cho ông.

Ông già và những người rảnh rỗi

Ông tựa lưng vào hàng rào ngồi bất động. Đôi mắt ông sụp xuống. Đầu tóc ông xác xơ. Chòm râu ông tua tủa. Ông ngồi thật lâu ở một vị trí. Một tay để lên đùi, tay còn lại ông đặt lên lưng con chó.

Con chó của ông cũng đã già. Thuộc loại chó lông xù, nó ngoan ngoãn nằm bên ông. Trước mặt ông, một chiếc nón ngửa ra trong đó có nhiều đồng xu bạc trắng.

Lần nào chúng tôi đi chợ người Việt - chợ Innala (Brisbane, Australia) đều gặp ông ngồi ở đó. Chưa lần nào tôi bắt gặp một người nào bỏ tiền vào chiếc nón cho ông.

Ông cụ ngồi bất động bên con chó.

Chỉ có một lần, có một người đàn ông trung niên ghé lại. Người ấy cúi gập người nói chuyện với ông. Chúng tôi không được biết nội dung câu chuyện giữa hai người, chỉ thấy thỉnh thoảng ông nở nụ cười. Gương mặt ông giãn ra và tươi hẳn lên.

Một người bán hàng ở gần đó cho biết ông thường ngồi tại đây. Nếu gọi là hành khất thì chắc là không phải bởi ông có nhà để ở, có phụ cấp để sinh sống. Có lẽ vì sống một mình nên ông buồn mới ra đây...

Người dân giải trí ở chợ Innala

Anh nói tiếp: "Ở Australia những người "cô đơn" thường có cách sống đặc biệt riêng cho mình. Anh hãy lượn một vòng quanh chợ để thấy có nhiều người rất rảnh. Họ đến đây mỗi ngày, tìm thú vui qua nhiều thứ...".

Chúng tôi đến giữa chợ. Một khoảnh sân rất rộng ở giữa hai dãy cửa hàng. Trong sân, có sẵn bàn ghế cho mọi người ai cũng có thể ngồi chơi bao lâu cũng được.

Trời Brisbane đang mùa lạnh. Nhiệt độ dưới 10 độ C. Giữa sân nhiều cụ già đang phơi nắng. Người run, người co ro nhưng cũng có người không ngại lạnh, vẫn mặc quần ngắn áo ngắn.

Những câu chuyện dưới ánh nắng ban mai dường như râm ran hơn. Tiếng Việt có, tiếng Anh có, nhiều ngôn ngữ khác đều có bởi Australia là nước có lượng người nhập cư khá cao.

Anh Lâm (42 tuổi) làm việc cho một cửa hàng trong chợ cho biết, những người rảnh rỗi này hầu hết là người Việt nhập cư. Họ có mặt thường xuyên ở đây. 

Trong khi tại Australia, người Australia, người nhập cư và cả các du học sinh ngày đêm lao động miệt mài thì vẫn có những người rảnh việc.

Nhiều người Việt tại Australia làm việc ngày đêm. Thu nhập bình quân 15- 20 đô/giờ. Có người làm 2 việc mới đủ nuôi gia đình và có tiền gửi về giúp người thân ở quê nhà.

Tương tự các du học sinh cũng đều tận dụng giờ rảnh đi làm thêm, kiếm tiền để vơi bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Nếu ở quê nhà, các em là cậu ấm cô chiêu thì ở đây, rất nhiều cô cậu như thế phải bưng bê thức ăn phục vụ khách, phải giúp việc nhà, phải hái từng trái dâu dưới trời lạnh...

Lãng tử du ca

Buổi tối thứ 6 ở trung tâm Brisbane City rất đông người. Chúng tôi len lỏi trên những con đường trong thành phố. Đến một ngã tư, người đông quá khiến chúng tôi dừng lại...

Ban nhạc The Three Inadequates với 3 ca nhạc sĩ Jakson, Marcus và Lawson

Người đứng thành hàng dài bao quanh góc ngã tư. Sát vách, 3 thanh niên trong trang phục rất đặc trưng đang cầm đàn ca hát. Thỉnh thoảng, họ có vài điệu nhảy. Khách đứng xung quanh vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi đến gần. Chỉ có người ở giữa sử dụng phong cầm, hai người hai bên cầm một loại đàn rất lạ. Họ hát, họ đàn, họ nhảy. Người xem mỗi lúc một đông.

Trước mặt họ, chiếc va-li đựng đàn mở toang. Bên trong, phía trên nắp có dòng chữ: "We are The Three Inadequates". Bên dưới có tiền các loại. Phía sau, sát tường, những nhạc cụ được xếp gọn gàng ngay ngắn...

Tiếng đàn vẫn vang lên đều đặn. Cùng đứng trong hàng khán giả, một người đàn ông đứng tuổi tỏ ra am tường cho chúng tôi biết, họ là một ban nhạc có tiếng.

Chiếc vali đựng tiền khán giả tặng

Còn trẻ, 3 người từng đi biểu diễn khắp các nơi theo phong cách du ca. Họ chơi nhạc cụ dân tộc, bài hát dân ca có thể là của người Australia hoặc của thổ dân. Họ là Jakson, Marcus và Lawson, vừa ca sĩ vừa đánh đàn.

Ở Australia, không phải ban nhạc, nhóm ca sĩ nào cũng có thể vào trình diễn ở các nhà hát. Chi phí cho các đêm diễn như thế lên đến hàng triệu đô la và chưa chắc có thể thu hồi vốn. Do đó, những nhóm nhạc nhỏ vì say mê tiếng đàn, lời ca họ đi trình diễn khắp nơi bằng hình thức "phiêu bạt" như thế.

Buổi trình diễn không kéo dài quá lâu vì qui định chỉ được phép hát đến 21 giờ. Các nghệ sĩ xếp lại dụng cụ. Khách hâm mộ tràn vào. Những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm thắm thiết. Người xem tùy tâm, có thể dùng nhiều hoặc ít tiền bỏ vào trong thùng, trong vali, trong nón.

Họ không quan tâm nhiều hay ít tiền, du khách cho hay không mà chỉ muốn trình diễn hết mình, mong có nhiều người thưởng thức. Vì thế, sau mỗi lần kết thúc bài hát, những tràng vỗ tay của khán giả dành tặng họ lập tức vang lên.

Các bé tặng tiền nghệ sĩ đường phố

Một bé gái cầm một nắm tiền bước tới bỏ vào chiếc vali. Jakson bước tới ôm lấy bé. Bé cười thật tươi đưa bàn tay ra trước mặt anh. Anh đưa tay chạm thật mạnh vào tay bé. Cả hai cùng hô lớn "hi...five". Một động thái rất tự nhiên và thân thiện.

Tác giả và nhóm nhạc đường phố

Ở Australia thường có những buổi trình diễn ngoài đường phố. Không ai câu nệ, không đánh giá thấp bởi các nghệ sĩ đường phố lúc nào cũng chơi hết mình.

Nghệ thuật và lòng đam mê của họ đã lôi cuốn biết bao người. Những buổi trình diễn như thế đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa xứ sở này.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 11/08/2018

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/nguoi-dan-ong-co-don-tren-duong-pho-australia-468484.html?fbclid=

Bài liên quan
  • Inala, chợ người Việt ở Brisbane (Úc)
    Tại một khu chợ ở Australia, giá cả được niêm yết, người mua không phải trả giá. Có lẽ nơi đây thành ngữ "hàng tôm hàng cá" như ở Việt Nam không còn giá trị bởi họ mua bán theo nhu cầu, không chèo kéo, không chặt chém.
  • Gieo tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ
    Sáng 2/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Khai mạc Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
  • Thành lập Hội đồng hương thành phố Chí Linh (Hải Dương) tại Nga
    Hội đồng hương Chí Linh (Hải Dương) được thành lập nhằm hưởng ứng chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, với sự khích lệ từ Đại sứ quán Việt Nam và đặt mục tiêu gắn kết các thế hệ trẻ tại Nga thông qua các hoạt động mang ý nghĩa cội nguồn.
  • Trường Đại học Cửu Long tổ chức giao lưu bóng đá lưu học sinh Lào
    Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (02/12/1975- 02/12/2024), ngày 30/11, Trường ĐH Cửu Long tổ chức buổi giao lưu bóng đá mini nam, nữ lưu học sinh.
  • “Hạt giống” tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
    Từ những trải nghiệm trên đất Campuchia, sinh viên Việt Nam mang về những giá trị đặc biệt: tri thức, văn hóa và cả tinh thần kết nối hai dân tộc. Những hạt giống hữu nghị này tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng sâu sắc.
  • Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp gỡ kiều bào tại Phần Lan
    Chiều 28/11, nhân chuyến thăm làm việc tại Phần Lan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng đoàn công tác đã gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Helsinki.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người đàn ông cô đơn trên đường phố Australia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO