Người dân loạn trong ma trận thực phẩm chức năng từ người nổi tiếng

NGUYỄN LY| 19/06/2024 07:06

Hiện nay, việc mua hàng trên mạng do ảnh hưởng của quảng cáo từ người nổi tiếng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, từ góc độ quản lý và kiểm soát chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm thực phẩm chức năng, các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Người dân loạn trong ma trận thực phẩm chức năng từ người nổi tiếng
Người dân lạc trong ma trận thực phẩm chức năng quảng cáo từ người nổi tiếng. Ảnh đồ hoạ: HƯƠNG GIANG

Quảng cáo sản phẩm và tiếp thị liên kết là những khái niệm không xa lạ đối với người tiêu dùng online hiện nay. Đối với những người nổi tiếng có lượng theo dõi lớn, việc quảng cáo bán các sản phẩm thực phẩm chức năng ít nhiều đã thu hút được nhiều người sử dụng. Lúc này, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đa phần vì tin tưởng hơn là xem xét các yếu tố chất lượng sản phẩm cũng như thành phần có phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau hay không.

Trước thực trạng này, bà Trần Thị Phương Thoa, đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM, cho rằng, hiện nay, trên các trang mạng xã hội, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng là KOC và KOL để bán các sản phẩm thực phẩm chức năng rất phổ biến, không chỉ dừng lại ở thuốc tây mà còn bao gồm cả thuốc đông y.

Thực tế đã có nhiều sản phẩm quảng cáo mà khi cơ quan chức năng kiểm tra thì chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, khiến người mua hoang mang và không biết khi có nhu cầu sử dụng thì nên dùng những thực phẩm nào, đặc biệt gây hiểu lầm cho người tiêu dùng giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Vậy, về mặt quản lý nhà nước đối với những nội dung này, chúng ta phải giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TPHCM, cho biết hiện nay hoạt động buôn bán thực phẩm chức năng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM. Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý Thị trường TPHCM đã triển khai đồng loạt đến các đội quản lý thị trường trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả. Trong đó, nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y dược cổ truyền được xác định là trọng tâm.

Cũng theo ông Huy, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, Cục đã triển khai chỉ đạo các tuyến cơ sở phòng chống buôn lậu trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2023, Cục đã xử lý 279 vụ vi phạm, thu hồi hơn 364.948 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, nộp ngân sách nhà nước 5,74 tỉ đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Cục đã kiểm tra 92 vụ, trong đó nhiều vụ liên quan đến thực phẩm chức năng.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý thực phẩm chức năng, Sở An toàn Thực phẩm TPHCM đã thực hiện rà soát, tổng hợp các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội về thực phẩm bảo vệ sức khỏe và phát hiện 80 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, đã chuyển bộ phận thanh tra xử lý và giám sát.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động xử lý những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng không đủ điều kiện cung cấp ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng cá nhân của người nổi tiếng.

Bài liên quan
  • Đề nghị Trường ĐH FPT ngừng đào tạo trong Khu Công nghệ cao TPHCM
    Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa có công văn đề nghị Trường ĐH FPT ngừng đào tạo đại học trong SHTP, gỡ bỏ các thông tin giới thiệu phân hiệu của trường trong SHTP trên các trang thông tin điện tử của trường và Công ty Cổ phần FPT nói chung.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân loạn trong ma trận thực phẩm chức năng từ người nổi tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO