Người dân khó mua thang dây, mặt nạ chống khói, Sở Công Thương nói không quản lý

29/09/2023 15:45

Sau vụ cháy chung cư mini Hà Nội, người dân TP.HCM đổ đi mua các phương tiện phòng cháy, chữa cháy như thang dây, mặt nạ chống khói,... Nhưng việc tìm mua không dễ; chất lượng, giá khó kiểm soát.

Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 28/9, trả lời về việc người dân phản ánh khó tìm mua thang dây, mặt nạ chống khói trên địa bàn, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong phạm vi cả nước.

Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định và chứng nhận phù hợp đối với thiết bị, phương tiện PCCC; quy định, quản lý, in và phát hành tem kiểm định phương tiện PCCC; ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trang bị, quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng phương tiện PCCC.

Sau vụ hỏa hoạn chung cư mini ở Khương Hạ, nhiều hộ kinh doanh phòng trọ tại Hà Nội lắp thang thoát hiểm đề phòng bất trắc. (Ảnh: Thạch Thảo).

Theo quy định, các sản phẩm: bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân (quần, áo, kính, khẩu trang chữa cháy, mặt nạ lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly,... ) không thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Thông tư số 08/2019/TT-BCA do Bộ Công an ban hành, nêu rõ, Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ này gồm các sản phẩm trên cùng phương tiện cứu người (dây cứu người; đai cứu hộ; đệm cứu người; thang cứu người; ống tụt cứu người,... ) thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.

Việc quản lý các mặt hàng trong danh mục được Bộ trưởng Bộ Công an giao thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện.

Liên quan đến công tác quản lý lĩnh vực PCCC, Sở Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC khi có yêu cầu. Mặt khác, các sản phẩm liên quan lĩnh vực PCCC cũng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá.

Công an nói về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy có liên quan xe điện

Tại cuộc họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, lực lượng chức năng sau khi tổng hợp lại các vụ cháy, thấy người sử dụng xe điện có tâm lý chủ quan, có thói quen sạc pin qua đêm không người trông coi.

Ngoài ra, người dân sạc xe ngay sau khi sử dụng phương tiện. Lúc này, pin xe còn nóng đã cắm sạc ngay, sẽ gây nguy hiểm.

Cùng với đó, người dân thường mua sắm các phương tiện giá rẻ. Sau thời gian sử dụng, phương tiện bị hỏng một số thiết bị nhưng không có các cơ sở để bảo trì, sửa chữa đúng yêu cầu kỹ thuật. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ.

Cũng theo ông Hà, Lithium ion đang là loại pin được sử dụng phổ biến nhất trong xe điện, nếu xảy ra cháy thì bình chữa cháy thông thường khó dập tắt được. Bởi, pin xe điện cháy nổ không cần oxy, cháy xảy ra do phản ứng hoá học của các chất bên trong pin. Việc chữa cháy bằng nước hay bình chữa cháy thông thường không có tác dụng cao.

Bài liên quan
  • Kỳ 1: Hành trình lật mặt nạ 'bầu' Kiên
    Những thành tích, chiến công tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh với chuyên án, điều tra khám phá các vụ trọng án đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng CSND, xứng đáng với danh hiệu "Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ".
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người dân khó mua thang dây, mặt nạ chống khói, Sở Công Thương nói không quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO