Ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc khởi kiện, yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường hơn 23 tỷ đồng do giữ bằng tốt nghiệp đại học và nhiều giấy tờ, hồ sơ gốc của ông hàng chục năm trời.
Cưới vợ, sinh con đều không thể đăng ký kết hôn, khai sinh
- Tại sao gần đây ông mới khởi kiện Trường Đại học Kinh tế quốc dân về việc giữ bằng tốt nghiệp đại học 30 năm và nhiều giấy tờ, hồ sơ gốc khác của ông gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống?
Không phải bây giờ tôi mới đòi hỏi quyền lợi của mình. Tôi đã học trong ngôi trường ấy, có những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên. Không ai muốn mối quan hệ đó hoen ố cả.
Chính vì thế, trong thời gian dài tôi âm thầm giải quyết vụ việc với đại diện, lãnh đạo trường thôi.
Nhưng tới bây giờ, tôi thấy trường gần như không có trách nhiệm với một cựu sinh viên như tôi. Đại diện trường hay nói sai sự thật, buộc tôi phải đưa ra công luận để nhằm hạn chế những vụ việc sau này.
Trường ngày càng phát triển về quy mô tuyển sinh, đào tạo với đa dạng các ngành nghề, nên không thể để những chuyện như thế này lặp lại.
- Ông bắt đầu việc "đòi bằng" từ khi nào và nhà trường đã giải quyết việc đó ra sao?
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học một năm, tôi đã liên tục tới trường để có ý kiến nhưng không có bất cứ biên nhận nào, không có thiện chí nào giải quyết sự việc của tôi cả. Trường giữ cả bằng tốt nghiệp, hộ khẩu gốc và hồ sơ cá nhân của tôi gồm Sơ yếu lý lịch cá nhân, Giấy khai sinh, Bằng tốt nghiệp và học bạ cấp 3, Quyết định xuất ngũ, Lý lịch quân nhân…
Đến năm 2016-2017, khi tôi chuẩn bị hoàn tất hồ sơ nghỉ hưu, tôi đến trường liên tục, có khi ngày 2 lần, nhưng trường vẫn không có động thái nào giải quyết sự việc.
Sau đó, trường tiếp tục trả lời không có căn cứ để cấp bằng tốt nghiệp đại học cho tôi, hồ sơ của tôi hiện nay họ không còn quản lý. Vì thế, tôi mới buộc phải khởi kiện ra tòa.
Ban đầu họ không đồng ý, bác bỏ toàn bộ yêu cầu tôi tại tòa án. Sau đó 5 ngày thì đại diện trường thông báo đã tìm thấy tên tôi trong danh sách tốt nghiệp và đích thân lãnh đạo trường mang bằng tốt nghiệp tới tòa trao trả lại tôi.
Với hồ sơ cá nhân, tôi nói rằng trường phải có trách nhiệm, nếu không sẽ kiện tới cùng. Sau đó khoảng 5-7 ngày, tôi nhận được tin đã tìm thấy hồ sơ cá nhân. Tại tòa đại diện trường trao trả lại, xin tôi rút đơn kiện.
Khi về nhà, tôi mới phát hiện bằng tốt nghiệp đại học ghi sai thông tin. Tôi hoàn thành khóa học năm 1989 nhưng trường lại ghi năm 1994. Đó là điều phi lý, không có cơ sở nào chấp nhận được. Tôi tiếp tục yêu cầu trường sửa lại thông tin đó nhưng rất nhiều lần họ đều không trả lời, buộc tôi phải tiếp tục gửi đơn khởi kiện.
- Những khó khăn mà ông gặp phải khi 30 năm không có bằng đại học, nhiều giấy tờ, hồ sơ gốc cũng bị trường giữ?
Rất nhiều. Những năm đầu 1990, tôi được nhận làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Xí nghiệp kỹ nghệ đồ gỗ xuất khẩu Hòa Bình nhưng đến năm 1993 không lấy được bằng đại học nên buộc phải bàn giao vị trí đó cho người khác. Sau đó, tôi đã phải đi làm tất cả mọi việc có thể để trụ lại Hà Nội.
Tôi lấy vợ năm 1991 và có con đầu lòng luôn năm đó, nhưng do không có hộ khẩu, hồ sơ cá nhân bị trường giữ nên chúng tôi không thể đăng ký kết hôn. Con tôi phải đưa về quê để khai sinh. Đứa con thứ hai năm 1998 cũng phải đưa về quê vợ tôi ở Thái Bình để đăng ký khai sinh. Vì khoảng cách địa lý, tôi ở Hà Nội, vợ con ở Thái Bình nên cuối cùng hôn nhân không tồn tại được…
Tôi không thể nhớ chính xác số lần tới trường đòi bằng vì quá nhiều. Sự việc của tôi trải qua nhiều đời hiệu trưởng, qua nhiều trưởng và phó phòng đào tạo nhưng không ai giải quyết.
Vì sao đòi bồi thường trên 23 tỷ đồng?
- Quá trình học tập tại trường, ông có bị kỷ luật hay xích mích, gây ra "sự cố" nào không?
Tôi không có mâu thuẫn cá nhân, tập thể nào với nhà trường, sinh viên trong trường. Tôi được bầu làm lớp phó phụ trách học tập 6 học kỳ, 5 học kỳ tôi là sinh viên tiên tiến - ngày đó vô cùng hiếm, chứ không phải như bây giờ vì liên quan đến học bổng.
- Vậy theo ông, tại sao lại xảy ra câu chuyện như vậy?
Tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Quan hệ của tôi với Phòng Đào tạo của trường vô cùng thân thiện, quen biết lâu, nhiều cán bộ là sinh viên cùng thời ở lại trường. Có cả người học cùng tôi trở thành lãnh đạo của trường.
Nếu bây giờ ai dẫn chứng được ra một mâu thuẫn giữa tôi với cá nhân, tập thể nhà trường thì điều đó mới là lạ. Tôi chưa từng vi phạm bất kỳ một hình thức nào từ phê bình, khiển trách trở lên để bị xử lý.
- Sau khi Dân trí phản ánh sự việc, ông có nhận được phản hồi, chia sẻ từ phíanhà trường, cũng nhưbạn bè?
Tôi nhận được rất nhiều ủng hộ, chia sẻ của người thân quen, bạn bè học cùng, đồng trang lứa. Họ đều đòi hỏi nhà trường phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi mặt đã gây ra cho tôi.
Có lẽ tôi quá kín tiếng nên bạn bè đều không nghĩ tôi rơi vào hoàn cảnh đó. Họ nghĩ tôi dùng bằng tốt nghiệp đại học để đi làm việc, vì tôi cũng gặt hái không ít thành quả. Nhưng thực tế tôi tiếp cận công việc do những năng lực cá nhân, không do bằng cấp.
Đến năm 2019 khi trường trả bằng cho tôi, tôi đã 60 tuổi, không thể sử dụng được cái bằng đó cho bất cứ việc gì nữa.
Nhiều người còn bảo cứ kiện đi, thiếu tiền họ đưa cho. Bạn bè ủng hộ thế mình cảm thấy vững tin hơn. Nhưng nhờ cậy bạn bè trong hoàn cảnh này tôi thấy rất ngại.
Thực tế, sau khi báo chí phản ánh, nhà trường chưa có bất kỳ động thái nào trao đổi với tôi. Tôi thấy họ trao đổi trên báo nói rằng muốn hòa giải nhưng tôi thấy không có điều này. Tôi không thấy họ có động thái nào.
- Ông căn cứ vào đâu để khởi kiện đòi Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường hơn 23 tỷ đồng?
Tôi tham khảo luật sư, tham khảo cả tình tiết tương tự ở các vụ án, vụ việc tương tự đã xảy ra, và cùng với những nhận thức pháp luật của mình để đưa ra con số tạm tính đó.
Cơ sở gốc rễ đòi bồi thường là tôi nhận định những hành vi sai trái, trái pháp luật của nhà trường đã gây ra với tôi suốt mấy chục năm đó. Và tôi có niềm tin mình sẽ tìm được công lý.
- Tòa án ở Hà Nội đã chậm trễ giải quyết vụ việc khiến ông gửi đơn tới cơ quan chức năng; mới đây nhất Ban Nội chính Trung ương đã có ý kiến đề nghị tòa án giải quyết, làm rõ?
Đúng là như vậy. Tôi quá bức xúc nên có thời gian tôi đổ bệnh, bị tai biến phải đi điều trị dài ngày nên sự việc bị giãn ra, không bám sát được.
Nếu họ chỉnh sửa văn bằng cho tôi, ứng xử với thái độ vui vẻ, trách nhiệm thì tôi đã không cần đòi bồi thường. Nhưng trong quá trình diễn ra phiên tòa, tôi biết nhà trường làm những việc không minh bạch, nên buộc phải đòi công lý cho chính mình.
Tôi muốn ở trường sẽ không bao giờ xảy ra câu chuyện như thế này nữa. Trường mà sai sẽ trả giá bằng cả một thế hệ.
- Xin cảm ơn ông!
Trường đại học giữ thái độ im lặng
Sau khi có ý kiến của Ban Nội chính Trung ương, mới đây lãnh đạo TAND Tối cao đã đề nghị Chánh án TAND TP Hà Nội xem xét phản ánh của ông Dương Thế Hảo về việc mở phiên tòa giải quyết yêu cầu được bồi thường thiệt hại do Trường Đại học Kinh tế quốc dân gây ra.
Phóng viên Dân trí đã trao đổi với ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhưng sau thời gian dài vẫn không nhận được phản hồi thông tin về sự việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.