Những ngày này, tại Hà Nội nắng nóng kéo dài, có thời điểm nhiệt độ lên đến 39-40 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là những người phải làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với người cao tuổi hoặc người có sức kháng thể kém thì tình trạng say nắng, sốc nhiệt nguy cơ xảy ra là rất lớn.
Dưới cái nóng hầm hập, oi bức, phải làm việc hay di chuyển nhiều ngoài trời đang là nỗi lo lắng và ái ngại của nhiều người.
Ông Nguyễn Văn Tiến (Bắc Ninh), làm nghề chở xe ôm ở Hà Nội đã 17 năm nay, hàng ngày, 5h sáng, ông đi xe máy từ Bắc Ninh về Hà Nội để đón, chở khách. Gần đây, thời tiết tăng nhiệt, nắng nóng gay gắt, ông cảm thấy rất mệt mỏi khi thường xuyên phải di chuyển trên đường. Do tuổi cao, để tránh bị sốc nhiệt hay cảm nắng, mỗi khi không có khách, ông lại tìm những đoạn đường có nhiều bóng râm để dừng xe nghỉ ngơi cho lại sức.
“Trước đây, khi thời tiết mát mẻ, mỗi ngày đi 100-200 km với tôi là chuyện bình thường. Nhưng gần đây, nắng nóng quá nên tôi không dám đi nhiều, phải giữ sức. Nhà ở xa, nhỡ chẳng may bị cảm nắng giữa đường thì không biết xoay sở thế nào”, ông Tiến nói.
Chị Nguyễn Thu Hoài (Thạch Thất, Hà Nội), làm nghề bán hoa quả rong ở Hà Nội đã 5 năm nay. Dưới trời nắng nóng gay gắt chị vẫn phải đạp xe rong ruổi trên các ngõ phố để bán hàng. Mồ hôi đầm đìa ướt đẫm lưng áo, khuôn mặt chị đỏ ửng, lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng chị vẫn nỗ lực mưu sinh để lo cho gia đình.
“Thời tiết nóng nực khiến tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đạp xe chở hàng nặng hàng ngày. Trời nóng, hàng bán chậm hơn và thu nhập kém đi. Năm ngoái, đi bán hàng giữa thời tiết nắng nóng, tôi đã bị sốc nhiệt, cảm nắng, do đó tôi rất lo lắng và cố gắng giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng gay gắt như thế này”, chị Hoài chia sẻ.
Các chuyên gia y tế cho hay, sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40 độ C sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Người bị sốc nhiệt thường có các triệu chứng: nhịp tim nhanh, thở nhanh, da nóng, khô, mặt đỏ bừng; buồn nôn và nôn ói hoặc thay đổi tri giác...
Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là: người già, trẻ em, phụ nữ, những người có sức kháng thể kém; Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, xe ôm.
Những người này thường xuyên phải phải lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ. Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt nếu cấp cứu muộn là co giật, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt, nền nhiệt thay đổi, đặc biệt, vào buổi trưa, đầu giờ chiều và cuối giờ chiều, nền nhiệt thời tiết rất cao, nhiệt độ thực tế cao hơn hẳn so với nhiệt độ dự báo.
Khi di chuyển ngoài đường, làm việc ngoài đường thì nhiệt độ từ mặt đường hắt lên ảnh hưởng rất lớn đến người lao động và người di chuyển trên đường, mọi người nên hạn chế ra ngoài và làm việc trong thời điểm đó. Trong trường hợp bất khả kháng thì nên có biện pháp chống nắng, chống nhiệt bằng cách dùng mũ, áo chống nắng để làm giảm hấp thu nhiệt từ thời tiết cũng như từ mặt đường.
Cũng theo bác sĩ Khiêm, chúng ta nên làm việc trong một thời gian nhất định, sau đó nghỉ ngơi trong chỗ râm mát rồi mới làm việc tiếp. Không nên làm việc quá sức liên tục. Ngoài ra, cần bổ sung nước cho cơ thể. Nếu ra mồ hôi nhiều nên dùng nước có bổ sung chất điện giải để đảm bảo cho cơ thể hoạt động được bình thường, tránh hiện tượng mất nước trong cơ thể.
Trong trường hợp có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt hoặc mệt mỏi khi ở ngoài trời nắng lâu thì nên tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi, cởi bớt đồ chống nhiệt trên người để giúp cơ thể thoáng mát và tăng cường trao đổi nhiệt giữa cơ thể với môi trường râm mát, từ đó làm giảm tình trạng sốc nhiệt.
“Đối với những người bắt buộc phải làm việc ngoài trời trong thời tiết nắng nóng thì việc quan trọng nhất là đảm bảo chế độ dinh dưỡng có đầy đủ vitamin, nguồn năng lượng cung cấp cho cơ thể; Cần bổ sung nước một cách chủ động hàng giờ để cơ thể đủ nước, không phải đợi khát mới uống. Điều này sẽ giúp cho việc điều nhiệt tốt hơn”, bác sĩ Khiêm khuyến cáo.