Theo đó, các bộ trưởng Anh muốn giáng đòn vào Nga bằng một làn sóng trừng phạt mới, lần này các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu cá và hải sản, có nghĩa là các nhà hàng phục vụ phi lê cá chiên hoặc chiên giòn trong bột với khoai tây chiên sẽ “gặp nguy hiểm”.
Được biết, 1/3 chủ sở hữu của các cơ sở lo sợ rằng họ sẽ phải đóng cửa nếu thiếu các sản phẩm cần thiết như cá và dầu.
Các chuyên gia còn cáo buộc rằng London có kế hoạch áp thuế xuất khẩu đối với cá trắng của Nga, cũng như cá tuyết và cá tuyết chấm đen, vốn được sử dụng làm nguyên liệu truyền thống để chế biến món cá và khoai tây chiên.
Người Anh có thể mất món ăn quốc gia do lệnh trừng phạt Nga. (Ảnh: Unsplash) |
Telegraph lưu ý, Anh hiện nhập khẩu khoảng 30% cá trắng từ Nga, quốc gia kiểm soát khoảng 45% thị trường toàn cầu.
“Hiện tại không có khung thời gian cụ thể cho việc áp thuế đối với cá và hải sản từ Nga, nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ dự định áp dụng”, một nguồn tin của chính phủ Anh cho biết.
Ông Andrew Crook, Chủ tịch Liên đoàn Các sản phẩm từ cá quốc gia Anh (NFFF) cảnh báo “thuế quan sẽ gây thêm áp lực lên một ngành công nghiệp vốn đã phải gánh chịu toàn bộ chi phí lạm phát”.
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Bảo thủ cho North West Leicestershire, ông Andrew Bridgen, cho biết ông ủng hộ các biện pháp trừng phạt cần thiết, nhưng bày tỏ lo ngại về tác động tàn phá đối với các chủ doanh nghiệp sản xuất món ăn quốc gia này.
“Các nhà hàng cá và khoai tây chiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Anh, và nếu món ăn này trở nên đắt đỏ hơn, thì nhiều nhà hàng sẽ phá sản”, ông Bridgen bình luận.
Trước đó, theo Metro UK, 1/3 số nhà hàng ở Anh phục vụ món cá và khoai tây chiên có thể đóng cửa vào cuối năm 2022 do giá dầu ăn tăng.
Các chuyên gia ước tính rằng trong số khoảng 10.500 cửa hàng bán đồ ăn nhanh truyền thống của Anh - món cá và khoai tây chiên chiếm khoảng 3.500 cửa hàng có thể ngừng hoạt động.
Nguyên nhân là do giá dầu hướng dương tăng mạnh sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá của một bình dầu 20 lít đã tăng từ 30 lên 44 bảng Anh.
Gần đây, giá dầu hướng dương tăng mạnh liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine - quốc gia xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất thế giới, chiếm 48% thị trường thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Nga chiếm 24%.
Thanh Bình (lược dịch)