Tuyến phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) từng được coi là "tuyến phố kiểu mẫu" khi được đầu tư đồng bộ tới cả trăm tỷ đồng từ năm 2016. Thế nhưng, nhiều đoạn vỉa hè được lát đá tự nhiên giờ đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Mạnh Quân).
Không khó để bắt gặp cảnh tượng đá lát vỉa hè bong tróc, vỡ nát tạo nên những đoạn mấp mô, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân (Ảnh: Mạnh Quân).
Được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng chất lượng của đá vỉa hè sau vài năm sử dụng lại trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Mạnh Quân).
Việc sử dụng vỉa hè sai mục đích, biến thành điểm đỗ xe cộng thêm ý thức chưa tốt của người dân khi tham gia giao thông đi trên vỉa hè cũng phần nào ảnh hưởng tới tuổi thọ của đá lát (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong những ngày gần đây, việc cải tạo, nâng cấp vỉa hè trên tuyến phố Lê Trọng Tấn đang được diễn ra, những khu vực bị hư hỏng được lột bỏ và "vá" lại bằng những tấm đá mới (Ảnh: Mạnh Quân).
Một đoạn vỉa hè với phần hư hỏng lớn được đào xới ngổn ngang và chờ thay thế bằng những tấm đá mới (Ảnh: Mạnh Quân).
Việc đào bới khiến đất đá xếp đống thu hẹp lối đi lại của người dân và gây mất mỹ quan đô thị (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) quận Thanh Xuân (thuộc UBND quận Thanh Xuân), kể từ năm nay đơn vị sẽ thực hiện nghiêm túc việc bảo trì, duy tu các vỉa hè trên địa bàn quận.
"Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên. Khi phát hiện một viên gạch vỡ sẽ lập tức thay ngay, tránh hiệu ứng "vết dầu loang. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với UBND phường xử phạt các trường hợp vi phạm xâm hại vỉa hè" (Ảnh: Mạnh Quân).
Đối với các đơn vị hạ ngầm, khi muốn thi công công trình khác trên vỉa hè, Ban QLDA quận Thanh Xuân sẽ yêu cầu phải được cấp phép đầy đủ theo quy định, đảm bảo chất lượng vỉa hè khi hoàn trả, không có chuyện hoàn trả qua loa khiến vỉa hè xuống cấp.
Đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế các phương tiện đi lại trên vỉa hè (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo ghi nhận, cùng thời điểm cuối năm, nhiều tuyến đường Thủ đô cũng đang bị đào xới, lát đá mới thay thế loại gạch cũ trên vỉa hè. Trong ảnh là đoạn vỉa hè Trần Duy Hưng, đoạn qua cổng trường Đại học Lao động - Xã Hội (Ảnh: Quân Đỗ).
Theo lời một công nhân tại công trường thì đoạn đường Nguyễn Chí Thanh bắt đầu lát vỉa hè từ đầu tháng 12 và sẽ kết thúc trước Tết Dương lịch 2023 (Ảnh: Quân Đỗ).
Đoạn đường Vũ Trọng Phụng cũng đang thay "áo mới" cho vỉa hè, ngổn ngang vật liệu, xi măng, đá, cát nằm "án ngữ" trước các cửa hàng kinh doanh ở mặt phố (Ảnh: Quân Đỗ).
Một số nhà mặt phố phải lấy chiếu, mành trải xuống nền đất cát để tránh bụi bẩn (Ảnh: Quân Đỗ).