Lần đầu đặt chân đến ngôi trường ở một đất nước xa lạ, nhìn thấy tượng Bác Hồ đặt trang trọng trước khoảng sân rộng, chúng tôi, ai cũng xúc động.
Trong Phòng Truyền thống của nhà trường cũng có tượng Bác ở nơi trang trọng nhất cùng rất nhiều hình ảnh về Bác, về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Bà Hiệu trưởng Vaandad Tsetsgee nói rằng, những bức tranh, ảnh này đều do các em học sinh của trường sưu tầm.
Đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam tới thăm và chụp ảnh lưu niệm
cùng giáo viên, học sinh của trường
Trường Phổ thông Trung học số 14 là một trong những trường đầu tiên của thành phố Ulaanbaatar. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ đã ra quyết định chính thức cho phép Trường phổ thông số 14 được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và người đồng chí chí cốt của nhân dân cách mạng Mông Cổ.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước Mông Cổ đã trưởng thành từ ngôi trường này. Trường có lịch sử giống như Trường Bưởi (Trường Chu Văn An, Hà Nội). Trường Hồ Chí Minh là trường chuẩn quốc gia, với 100 giáo viên, 40 nhân viên. Hiện có 2.700 học sinh ở cả ba cấp 1, 2, 3. Bà Hiệu trưởng Vaandad Tsetsgee tự hào khoe, trường có 1 giáo viên giỏi nhất cấp quốc gia và 2 dạy giỏi cấp thành phố, đều còn rất trẻ.
Đoàn công tác Đài TNVN thăm phòng truyền thống của trường
Và cũng bởi là Trường chuẩn quốc gia, có tiếng tăm nên nhiều bậc phụ huynh ở những địa bàn khác của thành phố cũng mong muốn con em mình được học tại đây. Từ năm ngoái, Trường đã dạy thử nghiệm thành công chương trình mới của Bộ Giáo dục cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Và năm nay, bắt đầu dạy theo chương trình mới.
Mục tiêu đồng thời cũng là phương châm giáo dục của nhà trường là: “Tất cả vì từng học sinh”. Vì thế, chương trình giáo dục đặc biệt chú ý đến phát triển năng lực cá nhân của từng học sinh, từ các môn học chung như Toán, Lý, Tiếng Anh, Sử, Sinh... đến các môn năng khiếu như Vẽ, Nhạc, Múa, Đàn...
Chẳng thế mà đón khách đến thăm Trường, các em hát múa chào mừng, những điệu dân ca, dân vũ điêu luyện, chuyên nghiệp. Bà Hiệu trường cho hay, học sinh của Trường còn biết hát bài hát Việt Nam, biết múa điệu múa của Việt Nam. Nếu thực sự có năng khiếu, các em đều được học mà không phải đóng bất cứ khoản tiền nào.
Tất cả các học sinh của Trường đều có những hiểu biết nhất định về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thầy cô giáo tự giới thiệu cho học sinh lớp mình về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ, về đất nước và con người Việt Nam.
Bà Hiệu trưởng trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam
Đã thành lệ, lễ tốt nghiệp ra trường cho học sinh cũng được tổ chức vào Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm (19/5). Dịp này, học sinh làm lễ dâng hoa lên Bác. Bà Hiệu trưởng Vaandad Tsetsgee nói rằng, được làm việc ở ngôi trường mang tên Hồ Chí Minh là niềm vinh dự lớn. Không chỉ riêng bà, đó cũng là niềm tự hào của tất cả giáo viên, nhân viên nhà trường.
Trong chương trình hợp tác về giáo dục giữa hai nước, mỗi năm Việt Nam nhận đào tạo 15 học sinh của Mông Cổ. Chính phủ Mông Cổ tạo điều kiện cho 3 học sinh của trường mang tên Hồ Chí Minh sang Việt Nam học. Hiện trường có hơn 10 sinh viên học tại Việt Nam, đều học xuất sắc, kể cả khả năng nghệ thuật.
Trường Phổ thông Trung học số 14 mang tên Hồ Chí Minh của thành phố Ulaanbaatar kết nghĩa với Trường Chu Văn An của Hà Nội./.
Theo vov.vn
Kim Yến (st)