Nghiện điện thoại đang bào mòn giới trẻ

An Thanh| 15/08/2023 17:33

Sử dụng điện thoại quá nhiều không chỉ gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tình cảm và nhận thức của người trẻ đối với cuộc sống xung quanh.

z4605863642369_63f526121c599c3c612f037a29f87c8a.jpg
Người trẻ sử dụng điện thoại ở mọi lúc, mọi nơi. (Ảnh: Mindful)

Theo báo cáo của We Are Social, người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam là giới trẻ từ 18 đến 34 tuổi. Họ dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt Internet mỗi ngày, trong đó 55.4% thời gian sử dụng Internet thông qua các thiết bị di động.

Điều này đồng nghĩa với việc giới trẻ đang dần mất đi sự tương tác trực tiếp với những người xung quanh, thay vào đó là sự gắn bó với chiếc máy nhỏ bé trong tay. Họ không còn biết cách bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự nhiên và chân thành, mà chỉ biết dùng những biểu tượng cảm xúc (emoji) hoặc những từ ngắn gọn để diễn đạt.

Việc quan tâm đến những vấn đề thực tế của cuộc sống được thay bằng những thông tin giả mạo hoặc không chính xác trên mạng. Nhiều người còn không rõ mình muốn gì, không có sở thích hay niềm đam mê riêng mà chỉ bắt chước những xu hướng hay thị hiếu của người khác.

Mặc dù là một thiết bị thông minh, có khả năng kết nối, liên kết với mạng xã hội, thế nhưng công nghệ đang khiến chúng ta trở nên cô lập với những giao tiếp trong thế giới thực và mất liên lạc với thế giới xung quanh.

Chẳng thiếu đâu mấy trường hợp cả team rủ nhau đi chơi nhưng đến nơi thì mỗi người mỗi chiếc điện thoại, không ai nói với ai câu nào. Thân xác thì ở đây nhưng tâm hồn thì lơ lửng trên mạng xã hội, chẳng ai tập trung vào cuộc trò chuyện hay hoạt động chung, chỉ biết dán mắt vào màn hình điện thoại, để ý đến những tin nhắn, cuộc gọi hay thông báo từ các ứng dụng. Mọi người dường như không còn biết cách lắng nghe, chia sẻ hay thể hiện cảm xúc với người khác.

Phạm Ngọc Uyên Thy (Sinh viên năm 3, trường ĐH Bách Khoa ĐHQG TP.HCM) cho hay, cô bạn ghét nhất là thể loại đi chơi với nhau mà cứ bấm điện thoại. “Mình đã từng cãi nhau với bạn vì hẹn nhau đi ăn, đi chơi mà nó chỉ tập trung vào điện thoại trong khi mình ngồi tâm sự, kể chuyện cho nó nghe. Mình ghét điều này vì nó mang cho mình cảm giác bị thiếu tôn trọng”, Uyên Thy nói.

Cô bạn cho rằng, nếu muốn lướt điện thoại thì có thể lướt ở nhà, lúc đi chơi với mọi người thì nên cất điện thoại để tập trung vào cuộc vui. “Mình nghĩ là muốn lướt điện thoại thì ở nhà lướt, còn khi chọn đi chơi với nhau thì phải tương tác, chú ý đến đối phương. Bởi vì thời gian để chúng mình gặp nhau cũng không nhiều nên phải biết trân trọng.”, Thy tâm sự.

z4605896484961_586c1e48ef65aa3502ef6d441b4e7e0a(1).jpg
Điện thoại khiến người trẻ mất nhiều thời gian. (Ảnh: sưu tầm).

Thói quen sử dụng điện thoại không kiểm soát khiến người trẻ thường dễ dàng mất nhiều thời gian cho việc lướt qua các mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, xem video ngắn, trò chuyện không cần thiết, vô tình bỏ qua nhiều cơ hội quan trọng trong cuộc sống, bỏ lỡ thời gian để phát triển bản thân và khám phá thế giới. Hay thậm chí, là mất đi khả năng kiểm soát, giải quyết những xung đột hay khủng hoảng trong cuộc sống.

Đã từng là một người không thể sống thiếu điện thoại nhưng ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Thị Thu Uyên(Sinh viên năm 2, trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM) đang phải hạn chế việc sử dụng điện thoại. “Mình nhận ra là sử dụng điện thoại quá nhiều làm giảm khả năng suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Mình thường đẩy nó sang một bên hoặc trốn tránh khi gặp khó khăn bằng cách tìm lấy niềm vui trên mạng xã hội. Và rồi, không việc nào được giải quyết còn mình thì bị stress do không biết mình nên bắt đầu từ đâu.”, Thu Uyên bộc bạch.

Không riêng gì Thu Uyên, Hoàng Thùy Linh (Sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) cũng đang phải “cai” điện thoại vì nó ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của cô bạn:“Không biết từ lúc nào mình nói chuyện qua tin nhắn thì nhiều mà ra ngoài thì không biết nói gì”, Linh cho hay.

Không những ngại giao tiếp mà Thùy Linh còn trở nên nhút nhát và e dè. Thùy Linh nói: “Mình ngại tiếp xúc với người khác, không thích đi ra ngoài và hay suy nghĩ tiêu cực nữa. Điều này khác hoàn toàn so với mình của lúc trước. Đó là lý do mình mà mình tập thói quen dẹp điện thoại và ra ngoài nhiều hơn”.

Điện thoại thông minh là một phát minh tuyệt vời của nhân loại, nhưng cũng có thể trở thành một nguyên nhân gây ra những vấn đề cho con người. Chúng ta cần biết cách sử dụng điện thoại một cách hợp lý để không để cho nó trở thành một kẻ thù của cảm xúc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghiện điện thoại đang bào mòn giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO