Nghiên cứu chế tài xử phạt người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá

Hoài Thu| 28/11/2023 06:15

Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quy định về năng lực tài chính kèm chế tài xử lý với người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, như cấm tham gia đấu giá, phạt vi phạm hành chính...

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm rõ nhiều vấn đề.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết có ý kiến đề nghị mở rộng hành vi bị nghiêm cấm, nghiên cứu trường hợp nhân viên trong tổ chức đấu giá tài sản làm lộ thông tin, cơ chế phát hiện và chế tài xử lý đối với các trường hợp thông đồng, dìm giá.

Nghiên cứu chế tài xử phạt người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá - 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: Phạm Thắng).

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo thông tin dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung hành vi nghiêm cấm đối với đấu giá viên.

Với hành vi thông đồng, dìm giá, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định Luật Đấu giá tài sản đã có quy định nghiêm cấm. Bộ Luật hình sự tại Điều 218 cũng có quy định về tội vi phạm hoạt động bán đấu giá tài sản, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá, nâng giá.

Để đảm bảo việc đấu giá tài sản được khách quan, minh bạch, Luật Đấu giá tài sản đã quy định người có tài sản có quyền giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, trường hợp phát hiện đấu giá viên, người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, dìm giá thì có quyền dừng cuộc đấu giá.

"Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với các chủ thể có liên quan trong phạm vi pháp luật đấu giá tài sản", theo ông Long.

Một đề nghị được nhiều đại biểu nhắc đến khi thảo luận tổ là nâng mức tiền đặt trước, quy định biên độ tiền đặt trước tùy theo giá trị tài sản. Ngoài ra, đối với một số tài sản đặc thù có thể nâng tiền đặt trước lên 50% giá khởi điểm; bổ sung chế tài cụ thể xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, ví dụ phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá, không được tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, xử lý dân sự, hành chính, hình sự…

Giải trình nội dung này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thời hạn nộp tiền đặt trước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật Đấu giá tài sản với nhiều loại tài sản được ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản pháp luật quy định bán đấu giá) cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Nghiên cứu chế tài xử phạt người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá - 2

Biển số ô tô 30K-555.55 được đem ra đấu giá và người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (Ảnh chụp màn hình).

"Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao, sẽ có ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư", theo giải trình của cơ quan soạn thảo.

Ông Long cho biết thông lệ của các nước trên thế giới đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá.

Việc nộp tiền đặt trước, theo Bộ trưởng Tư pháp, là một trong các điều kiện để tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc xử lý tiền cọc trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Do đó, nếu người trúng đấu giá không ký hợp đồng mua bán hoặc không nộp tiền trúng đấu giá, sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc. Một số nước khác cấm người không nộp tiền trúng đấu giá tham gia đấu giá trong một thời hạn nhất định.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để hạn chế tình trạng "cò mồi", tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, dự thảo Luật quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ (dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai), sẽ bị mất khoản tiền đặt trước.

Ông Long cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành quy định về yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, nhất là về năng lực tài chính kèm theo các chế tài xử lý đối với người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, như cấm tham gia đấu giá, phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu chế tài xử phạt người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO