Nghịch lý doanh nghiệp khó tuyển dụng nhưng người lao động không có việc

20/08/2024 16:55

Người lao động không có việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp các khu công nghiệp ở thành phố Đà Nẵng vẫn kêu vẫn khó tuyển dụng lao động đáp ứng theo nhu cầu.

Công ty Cổ phần VAFI đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là nhà sản xuất hàng đầu về sản phẩm lọc nhớt, lọc nhiên liệu của các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Những năm qua, được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành thành phố Đà Nẵng, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VAFI cho biết, do nhu cầu phát triển, đơn vị đã nhiều lần tuyển dụng lao động nhưng 6 tháng qua gặp nhiều khó khăn:“Đầu năm đến giờ, chúng tôi gặp khó khăn trong tuyển dụng. Qua khảo sát, kiểm tra chúng tôi thấy người lao động xin nghỉ việc họ chỉ nói lý do là về quê hoặc là lý do khác. Tôi mong rằng Sở Lao động Thương binh và Xã hội có khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người lao động. Bởi vì lúc này có thể người lao động gặp  khó khăn về chỗ ở hay là chuẩn bị cho con cái đi học chẳng hạn. Mong rằng, Sở Lao động có một cuộc khảo sát tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong việc tuyển dụng”.

Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ thể thao câu cá giải trí. Công ty này đang dự tính mở rộng quy mô sản xuất thêm 4 hécta, tăng công suất sản xuất lên 30%, cần tuyển dụng thêm 300 lao động nhưng 6 tháng qua vẫn không tuyển đủ lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng cho rằng, hiện nay đang có sự chuyển dịch lao động ngoại tỉnh. Một số địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi…đang phát triển khu công nghiệp và thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, lao động ngoại tỉnh từng làm việc tại Đà Nẵng lựa chọn làm việc tại địa phương của mình, gần nhà, tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ thiết hụt lực lượng lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Phu, trên thực tế có tình trạng người lao động xin nghỉ việc ở doanh nghiệp nhưng chưa đi tìm việc mới mà chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp:“Chúng tôi đang gặp khó khăn về tuyển dụng lao động phổ thông. Chúng tôi tuyển thêm 300 người nhưng 6 tháng nay vẫn không tuyển được. Bây giờ, chúng tôi đã có rất nhiều chính sách khuyến khích lao động, nộp hồ sơn online hay có hỗ trợ thêm tiền xăng xe khi tuyển dụng lao động ở xa nhưng vẫn không khả thi”.

Thống kê của Sở Lao động Thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng, lực lượng lao động hiện đang làm việc trong các ngành kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khoảng 630.000 người. Trung bình mỗi năm có từ 30.000 đến 35.000 người vào độ tuổi lao động và có khoảng 15.000 đến 20.000 học sinh, sinh viên và các học viên học đào tạo nghề ra trường. Đây là nguồn cung lao động dồi dào, phục vụ cho việc sử dụng lao động cho doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm tại Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng có khoảng từ 15.000 đến 20.000 doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng lao động. Theo ông Trương Ngọc Hùng, Phó phòng Chính sách việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố rất nhiều, cho thấy nhu cầu cầu lao động tại doanh nghiệp rất lớn.

Nguồn cung lao động tại thành phố Đà Nẵng rất lớn nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng là do đang lệch pha, mất cân đối giữa cung và cầu. Người lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, tác phong lao động. Lao động trẻ có xu hướng chuyển dịch thích sang làm việc tự do. Ngoài ra, tiền lương bình quân của doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Đà Nẵng khoảng gần 5,4 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương tương đối thấp, nên không hấp dẫn, thu hút người lao động

Sở Lao động Thương binh và xã hội thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều chính sách phát triển thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, tăng hiệu quả kết nối cung-cầu lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm di động tại các địa phương, trường cao đẳng, đại học.

Theo ông Trương Ngọc Hùng, Phó Trưởng phòng Chính sách việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, doanh nghiệp cần tính toán linh hoạt cơ cấu tuyển dụng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động, đặc biệt là có chế độ chính sách tiền lương, thưởng để khuyến khích lao động làm việc:“Doanh nghiệp cần nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động như tiền lương, tiền tăng ca, tiền xăng xe, nuôi con nhỏ…Doanh nghiệp cần xây dựng môi trường lao động làm việc ổn định, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa sử dụng lao động tại doanh nghiệp để tạo môi trường làm việc giữ chân người lao động”.

Theo vov.vn
https://vov.vn/xa-hoi/nghich-ly-doanh-nghiep-kho-tuyen-dung-nhung-nguoi-lao-dong-khong-co-viec-post1115624.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/nghich-ly-doanh-nghiep-kho-tuyen-dung-nhung-nguoi-lao-dong-khong-co-viec-post1115624.vov
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý doanh nghiệp khó tuyển dụng nhưng người lao động không có việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO