Nghĩ cho người khác, một niệm đắc thiện báo
Âm Khanh tự là Tử Kiên, sinh ra ở Cô Tang, Vũ Uy thời Nam Bắc triều (nay là Vũ Uy, Cam Túc). Phụ thân của ông là Âm Tử Xuân, làm quan đến chức Tả vệ Tướng quân của nhà Lương. Vào thời nhà Lương, Âm Khanh làm Pháp tào Tham quân cho Tương Đông Vương, sau đó được thăng làm Thái thủ Tấn Lăng. Sau khi triều đại thay đổi, ông làm Lục sự tham quân trong phủ Thủy Hưng Vương, về sau làm Thái thủ Tấn Lăng, rồi đến Viên ngoại Tán kỵ Thường thị. Ông là người học rộng biết nhiều về sử truyện, lại giỏi làm thờ ngũ ngôn, danh tiếng truyền xa. Trong một lần dự yến hội của Trần Văn Đế, ông đã cầm bút và viết bài thơ “Tân Thành An Nhạc Cung,” được Văn Đế tán thưởng!
Tân Thành An Nhạc Cung
Tân cung thực tráng tai, vân lý vọng lâu đài.
Điều đệ tường côn ngưỡng, liên phiên hạ yến lai.
Trùng thiềm hàn vụ túc, đan tỉnh hạ liên khai.
Thế thạch phi tân cẩm, lương hoa họa tảo mai.
Dục tri an nhạc thịnh, ca quản tạp trần ai.
Tạm dịch:
Tân Thành An Nhạc Cung
Tân cung tráng lệ thay, trong mây vọng lâu đài.
Xa xôi gà hồ ngưỡng, liên miên tiệc thiết đãi.
Hiên nặng sương mù đọng, giếng đỏ hè sen khai.
Thềm gạch khoác áo mới, lương hoa vẽ sớm mai.
Sớm biết An Nhạc thịnh, ca hát bụi trần này.
Khi Âm Khanh còn trẻ, có một lần cùng tân khách bằng hữu mở tiệc. Trong bữa tiệc, mọi người uống rượu nói cười rất vui vẻ. Âm Khanh thấy người phục vụ thường xuyên phải bưng rượu rót cho mọi người, đi đi lại lại rất mệt, liền chia rượu ngon và thịt nướng cho anh ta. Những vị khách trong bữa tiệc nhìn thấy hành động của Âm Khanh đều cười nhạo hành động không cần thiết của anh. Âm Khanh bèn nói: “Chúng ta uống rượu thoải mái cả ngày, nhưng người bận rộn bưng vò rượu cho chúng ta thì một giọt rượu ngon cũng không nếm được. Đó chẳng phải là không trọng nhân tình sao!”
Sau này khi Hầu Cảnh làm loạn, kinh đô của nhà Lương bị bao vây chặt chẽ, Âm Khanh rơi vào tay của loạn tặc. Chính vào lúc nguy cấp này, có người đã giải cứu, giúp anh thoát khỏi họa diệt thân. Sau khi dò hỏi anh mới mới biết rằng, người cứu mạng anh hóa ra chính là người phục vụ bưng rượu trong bữa tiệc ngày hôm đó. Người phục vụ này cảm nhận được sự ấm áp từ món quà rượu thịt của Âm Khanh, vì vậy tại thời điểm quan trọng đã đáp lại anh phần hồi báo hậu hĩnh nhất!
Giúp người một bữa, cứu được bản thân
Vào thời Xuân Thu, nước Tấn là một nước lớn. Công tử Trọng Nhĩ lên ngôi lấy hiệu là Tấn Văn Công, sau này trở thành một trong “Xuân Thu Ngũ Bá” (năm vị bá chủ thời kỳ Xuân Thu). Ông truyền vương vị cho Tấn Tương Công rồi đến Tấn Linh Công, nhưng Tấn Linh Công lại là một kẻ hoang dâm vô đạo.
Tấn Linh Công đánh thuế rất nặng, vơ vét của cải từ mồ hôi nước mắt của người dân để xây du viên, dựng đài cao, mở lầu lớn, vô cùng xa hoa lộng lẫy. Ông ta thường mở tiệc trên lầu đài cao để thu hút dân chúng đến xem, sau đó từ trên lầu đài rút ná ra bắn xuống, dân chúng bị đạn ná bắn đến vỡ đầu chảy máu, sợ hãi ôm đầu bỏ chạy. Tấn Linh Công từ trên lầu nhìn xuống cười ha ha, rất lấy làm thích thú.
Có một đầu bếp nấu chân gấu cho Tấn Linh Công, vì chân gấu chưa chín hẳn, Linh Công trong cơn thịnh nộ đã giết người đầu bếp này, rồi sai cung nữ mang xác ra khỏi cung điện ném đi. Khi cung nữ đi ngang qua chợ thì gặp phải Đại thần Triệu Thuẫn và Tùy Hội. Trong chiếc giỏ trên tay cung nữ lộ ra một bàn tay người chết, vì vậy nội tình đã bị lộ. Triệu Thuẫn và Tùy Hội trước đây đã nhiều lần khuyên nhủ Linh Công về chuyện bắn đạn, lần này lại xảy ra chuyện tồi tệ như vậy, hai người họ nói rằng việc này không thể xem như không thấy, vậy nên đã chia ra lần lượt đi khuyên nhủ Linh Công.
Tùy Hội can gián trước, nhưng Linh Công không nghe. Linh Công trong tâm không muốn Triệu Thuẫn lại tới can ngăn, liền nghĩ ra một ý tưởng xấu. Linh Công vốn đã có bất mãn với Triệu Thuẫn. Khi Tấn Tương Công qua đời, Triệu Thuẫn nhận mệnh trở thành Đại thần. Tương Công chỉ định Di Cao (tên thật của Linh Công, mẹ ông là Mục Doanh) kế vị mình, nhưng Di Cao khi đó còn nhỏ, vậy nên vì lợi ích của quốc gia, Triệu Thuẫn đã tìm một người thừa kế khác. Về sau, mặc dù Linh Công đã lên ngôi dưới sự nỗ lực tranh đấu của mẫu thân Mục Doanh, nhưng đối với Triệu Thuẫn đã sinh ra hiềm khích rất lớn. Lần này, ông phái lực sĩ Sừ Nghê đi ám sát Triệu Thuẫn.
Tương truyền, Sừ Nghê nhận lệnh lẻn vào nhà Triệu Thuẫn, thấy cửa phòng ngủ của ông đã mở. Lúc này, Triệu Thuẫn đã mặc triều phục và đợi lên buổi thượng triều vào sáng sớm. Lúc đó trời còn sớm, Triệu Thuẫn ngồi trong sảnh đường nhắm mắt dưỡng thần. Sừ Nghê lặng lẽ rút lui, cảm thán nói: “Triệu Thuẫn quả đúng là trung thần, không quên lễ nghĩa, làm chủ cho dân! Giết trung thần là bất trung, bỏ qua quân lệnh là bất tín, đều là tội, chi bằng tự sát.”
Sừ Nghê được Linh Công giao phó, nhưng không muốn giết trung thần, cũng không muốn bội tín quân vương, thế là ông đi đến gốc cây hòe trong sân, đập đầu tự sát. “Ấu học quỳnh lâm ‧ Quyển 4‧ Hoa mộc loại” nói rằng, “Sừ Nghê xúc hòe, bất nhẫn tặc dân chi chủ” (Sừ Nghê đập đầu vào cây hòe, vì không nỡ làm hại người làm chủ cho dân chúng), chính là nói về câu chuyện này trong lịch sử.
Sừ Nghê chết mà Triệu Thuẫn vẫn còn sống, Linh Công lại lập kế khác. Vào tháng Chín năm đó, Linh Công bày kế mời Triệu Thuẫn uống rượu, âm mưu để võ sĩ mai phục lấy mạng ông. Triệu Thuẫn không biết tâm cơ của Linh Công, quân vương thưởng rượu, thần tử lẽ nào không uống? Lúc đang uống ba tuần rượu, Xa hữu Đề Di Minh bước tới nhắc nhở ông rằng: “Thần tử hầu hạ quân vương uống một hớp nhỏ, ba chén mà lui, quá ba chén là thất lễ!” Triệu Thuẫn nghe vậy liền xin lui.
Linh Công vốn định chuốc cho Triệu Thuẫn say để phục binh ra tay hành sự. Lúc này phục binh vẫn chưa vào vị trí, Linh Công ngay lập tức thả con chó dữ của mình ra cắn Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn hét lên: “Không nuôi kẻ sĩ lại nuôi chó, có ích gì?” Ông vừa đánh con chó vừa rút lui, Xa hữu Đề Di Minh đã tử chiến với con chó. Lúc này phục binh hung hăng xông tới đuổi giết Triệu Thuẫn. Thời khắc cấp bách, một võ sĩ của Triệu Thuẫn đã tiến lên và xoay kích chặn đường, phục binh nhất thời bị chặn lại, Triệu Thuẫn thoát chết trong gang tấc.
Sau sự việc, Triệu Thuẫn hỏi tên của võ sĩ, võ sĩ trả lời: “Tôi chính là người đói khát dưới gốc cây dâu đó.” Ngoài chuyện này ra thì không nói gì khác.
Người đàn ông đói khát này là ai? Theo ghi chép lịch sử, anh ta tên là Linh Triếp, người nước Tấn, từng chịu ơn của Triệu Thuẫn. Có một lần Triệu Thuẫn đi săn ở Thủ Sơn (phía đông nam huyện Bồ Phản, Hà Đông), nghỉ ngơi dưới bóng cây dâu. Lúc đó, ông nhìn thấy ở dưới cây dâu có một người đàn ông khuôn mặt xanh xao, liền hỏi anh ta bị bệnh gì. Người đó nói: “Ba ngày rồi tôi chưa có gì để ăn.” Triệu Thuẫn liền bảo thủ hạ lấy thức ăn cho anh ta, nhưng người đó lại chỉ ăn một nửa. Triệu Thuẫn hỏi tại sao, anh ta nói: “Xa nhà cầu học ba năm rồi, không biết mẫu thân bây giờ ra sao? Nhà tôi ở gần đây, tôi muốn để lại một nửa thức ăn này cho mẫu thân tôi.” Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo này, Triệu Thuẫn đã cho anh ta toàn bộ thức ăn trong mấy chiếc túi. Về sau, người này đã đầu quân cho Triệu Thuẫn làm võ sĩ, nhưng Triệu Thuẫn không hề hay biết. Sau chuyện này, võ sĩ ra đi không lời từ biệt, cũng không nghĩ đến chuyện cần báo đáp, anh lặng lẽ rời đi.
Cho dù là làm việc thiện hay báo đáp ân tình, những câu chuyện này đều khiến chúng ta xúc động, bởi họ đã thực hành mỹ đức và được Trời cao tán thưởng. Trong vòng tuần hoàn của mỹ đức, giá trị đặc biệt của con người đã được phát huy, làm cho thế gian này càng trở nên tốt đẹp hơn. Thiện niệm, thiện hành đắc thiện báo – Người có đức hạnh, tầng thứ sinh mệnh cũng được đề thăng, từ đó nhận được nhiều hồi báo hơn từ Thiên Thượng.