Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô vừa giúp chị em có thêm thu nhập, vừa góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
Người Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, Thị trấn Mèo Vạc vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thể hiện rất rõ trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trang phục, nhất là trang phục của người phụ nữ.
Trang phục phụ nữ Lô Lô khá rực rỡ với các họa tiết chủ yếu là màu đỏ. Hình thức trang trí rất độc đáo với vô số chi tiết thêu ghép vải cùng các phụ kiện đính kèm. Áo cánh thêu nhiều ở hai ống tay, trước ngực và sau lưng. Quần ống rộng với hoa văn dọc hai bên ống. Một tấm vải dày đặc hoa văn phủ quanh hông cùng hai hoặc ba chiếc thắt lưng thêu. Đầu quấn khăn với vô số quả bông nhỏ.
Phụ nữ Lô Lô từ khi còn nhỏ đã được bà, mẹ dạy khâu vá, thêu thùa để khi về nhà chồng phải mang theo ít nhất một bộ váy áo. Việc đó giúp họ giữ được không chỉ nghề khâu vá, thêu thùa mà còn cả những nét văn hóa truyền thống trên trang phục của mình. Phải mất 2-3 năm mới làm có thể làm xong bộ váy áo công phu này. Tất cả các khâu từ cắt may, ghép vải thành hoa văn, thêu trang trí, gắn tua sợi hay len màu, đính hạt cườm… đều làm thủ công. Hoa văn trang trí được xếp đặt rất sáng tạo, chỉ bằng vài mảnh vải nhỏ hình tam giác, hình mặt trời, hình hoa đào hoặc hoa thảo quả được ghép với nhau là có thể tạo ra những hình thể mới đa dạng, độc đáo hơn... Khăn quấn đầu cũng được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ.
Từ những tấm vải chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ nơi đây còn trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài. Không chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mà nghề thêu thổ cẩm còn đem lại thu nhập cho người dân.
Năm 2011, Tổ chức Phi chính phủ Craft Link đã phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang triển khai dự án “Bảo tồn, gìn giữ nền văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập cho người Lô Lô” tại Mèo Vạc nhằm nâng cao nhận thức giá trị văn hóa của người Lô Lô, cải thiện kỹ năng thêu, may, đồng thời hướng dẫn cách quản lý tài chính và tiêu thụ sản phẩm… Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô được khôi phục từ năm 2013 thông qua việc thành lập HTX. Ban đầu HTX có 16 thành viên, sau gần 9 năm hoạt động đã tăng lên 24 thành viên. Đây là nơi để các chị em chia sẻ, trao truyền và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên cơ sở đó, hợp tác xã dệt may Lô Lô đã được thành lập vào năm 2016. Hiện tại, hợp tác xã cung cấp khoảng 40 sản phẩm cho Craft Link như quần áo, túi xách, gối, khăn trải bàn, khăn quấn đầu, mũ, bờm tóc, lơ tóc…, doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu đồng, thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng.
Thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc có 118 hộ gia đình thì có 63 hộ là dân tộc Lô Lô, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm và buôn bán nhỏ trong những ngày chợ phiên. Năm 2007 thôn được công nhận là Làng Văn hóa du lịch của huyện Mèo Vạc, từ đó Sảng Pả A trở thành địa chỉ hấp dẫn khách du lịch đến trải nghiệm trong hành trình khám phá Cao nguyên đá.