Ngày từ năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ.

Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Nếu các dấu hiệu báo động của tự kỷ không được phát hiện kịp thời để cha mẹ đưa trẻ đi thăm khám và can thiệp, hội chứng rối loạn của não bộ càng trở nặng.
Thuật ngữ “tự kỷ” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1911. Nhà tâm thần học Eugen Bleuer (Thụy Sĩ) đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả một nhóm các triệu chứng nhất định được coi là các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt.
Năm 2013, khái niệm “phổ tự kỷ” được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đưa vào ấn bản thứ năm của cuốn “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các chứng rối loạn tâm thần” sau khi kết hợp tất cả các phạm trù nhỏ và các tình trạng có liên quan đến tự kỷ thành một phạm trù thống nhất, bao gồm các đặc điểm khác nhau, mức độ nghiêm trọng và biểu hiện của các triệu chứng.
Khi số lượng trẻ tự kỷ gia tăng, xã hội cần có những giải pháp thiết thực để giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn.
Những con số báo động
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc chứng này. Đáng chú ý, từ năm 2000 đến 2007, số lượng trẻ tự kỷ đã tăng gấp 50 lần, trở thành một vấn đề xã hội đáng quan tâm.

Không chỉ là một chứng rối loạn ảnh hưởng đến giao tiếp và hành vi, tự kỷ còn gây tác động sâu rộng đến cả gia đình và xã hội. Tại toạ đàm: Tương lai nào cho trẻ tự kỷ do báo Nhân dân tổ chức hôm 28/3, các chuyên gia cho rằng, hơn 1 triệu trẻ tự kỷ có thể kéo theo khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi các em trưởng thành, nhiều gia đình lo lắng về tương lai của con cái khi bản thân họ ngày càng già yếu, trong khi chi phí chăm sóc lại không ngừng gia tăng.
Tự kỷ - Không chỉ là câu chuyện cá nhân
Tự kỷ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mắc chứng này, mà còn tác động đến chất lượng sống của gia đình, hệ thống giáo dục, y tế và nền kinh tế. Theo thống kê, trẻ tự kỷ chiếm tới 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường. Nhiều em gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục phù hợp, dẫn đến hạn chế trong phát triển kỹ năng sống và hòa nhập xã hội.
Khi đến tuổi dậy thì, trẻ tự kỷ và gia đình phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Phụ huynh lo lắng về khả năng lao động, tự lập của con cái trong tương lai. Câu hỏi "Ai sẽ chăm sóc các em khi cha mẹ không còn?" vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn của nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ.
Cần những giải pháp thiết thực
Tại Việt Nam, nhiều tổ chức và cá nhân đã chung tay tạo ra những chương trình hỗ trợ, từ can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt đến hướng nghiệp cho người tự kỷ trưởng thành. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay của xã hội, đặc biệt là trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ bền vững.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, xã hội cần có các chương trình giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng sống, đồng thời xây dựng hệ thống hỗ trợ người tự kỷ trưởng thành, giúp họ có thể sống độc lập hoặc bán độc lập khi không còn người thân bên cạnh.
Thắp sáng hy vọng
.jpeg)
Những bức tranh đầy màu sắc của bé Tạ Đức Bảo Nam, một trẻ tự kỷ sinh năm 2011, là minh chứng cho thấy nếu được hỗ trợ đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển tài năng và đóng góp cho xã hội. Những thành công nhỏ bé của các em chính là niềm tin để cộng đồng tiếp tục hành động vì một tương lai tươi sáng hơn.
Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4 không chỉ là ngày để nói về những khó khăn, mà còn là dịp để lan tỏa yêu thương, thấu hiểu và chung tay giúp đỡ. Khi xã hội cùng chung tay, mọi trẻ em - dù khác biệt đến đâu - đều có cơ hội để phát triển và khẳng định bản thân.
Tổng hợp