Ngày 7/12 năm xưa: Ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông; Nhật tấn công Trân Châu cảng; Kết thúc ly giáo Đông - Tây; Gorbachev gặp Ronald Reagan; Ronaldo giành QBV thứ 5; Kết thúc 'Zero Covid'

Tổng hợp| 07/12/2023 06:00

Ngày 7/12/1941, một trong những trận đánh tàn khốc nhất lịch sử là Trân Châu cảng khiến gần 2500 người Mỹ thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương, khiến Mỹ tham chiến Thế chiến 2.

Sinh nhật Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ngày 7/12/1258, Trần Nhân Tông chào đời, tên khai sinh là Trần Khâm, là vị vua thứ 3 của triều Trần. Ông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng rồi đi tu sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm cho đến khi qua đời.

phat-hoang.jpg
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử.

Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị Hoàng đế anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đồng thời là thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại.

Leo Baekeland phát minh ra nhựa Bakelite

Ngày 7/12/1909 nhà phát minh Leo Baekeland được cấp bằng sáng chế cho loại nhựa nhiệt rắn đầu tiên Bakelite, đánh dấu sự ra đời của ngành nhựa.

Leo Baekeland là một nhà hóa học người Mỹ gốc Bỉ nổi tiếng với những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nhựa. Thành tựu đáng chú ý nhất của ông là tìm ra chất polyoxybenzylmethylenglycolanhydride, đặt tên là Bakelite gần giống tên ông, là loại nhựa tổng hợp hoàn toàn đầu tiên vào đầu thế kỷ 20.

lsmain-leo-111717-company.jpg
Nhà phát minh Leo Baekeland. Ảnh: History.net

Phát hiện này đánh dấu sự khởi đầu của ngành công nghiệp nhựa hiện đại, là dấu mốc cực kỳ quan trọng của ngành hoá học để tìm ra hàng loạt các loại nhựa khác như polystyren (năm 1930), nylon (năm 1934)...

Cuộc tấn công tàn khốc Trân Châu Cảng

7 giờ 55 ngày 7/12/1941, Hải quân đế quốc Nhật bất ngờ tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu cảng, gần TP.Honolulu trên đảo Oahu, tiểu bang Hawaii. Thời điểm này, Mỹ là nước trung lập trong Thế chiến 2 và hoàn toàn bị động trước cuộc tập kích này.

Cuộc tấn công tàn khốc vào Trân Châu Cảng được phát động thành hai đợt, cách nhau nửa giờ. Người Nhật đã sử dụng 353 máy bay bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom ngang và bổ nhào, ngư lôi.

Cuộc tấn công kéo dài 2 giờ 20 phút đã phá hủy 19 tàu Hải quân Mỹ, trong đó có 8 thiết giáp hạm. Tổng cộng 188 máy bay Mỹ nổ tung; 2.403 người Mỹ thiệt mạng và 1.178 người khác bị thương.

pearl-harbor-uss-arizona_11zon.jpg
Trận Trân Châu cảng năm 1941 trở thành đề tài hấp dẫn cho điện ảnh.

Ngược lại, Nhật chỉ mất 29 máy bay, 5 tàu ngầm hạng trung và 130 người thiệt mạng. Cùng ngày với cuộc tấn công này, Nhật Bản xâm lược Malaysia, Singapore, Hồng Kông và tấn công Philippines, Guam và đảo Wake.

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ngày hôm sau trong bài phát biểu trước Thượng và Hạ Viện đã cay đắng thốt lên: “Một ngày sống trong ô nhục”.

Cuộc tấn công gây chấn động  chính thức đưa Mỹ tham chiến trong Thế chiến 2 khi tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày hôm sau. Từ Đức, Adolf Hitler đáp trả bằng cách tuyên chiến với Mỹ vào ngày 11/12.

Kết thúc Đại ly giáo Đông - Tây

Ngày 7/12/1965 tại Jerusalem, Giáo hoàng Paul VI của Công giáo La Mã và Thượng phụ Chính thống giáo Athenagoras I đã gặp gỡ, ôm hôn xúc động, chính thức kết thúc cuộc đại ly giáo suốt hơn 9 thế kỷ, đồng thời hai bên giải vạ tuyệt thông cho nhau vốn là nguyên cớ dẫn đến sự chia rẽ từ năm 1054 của hai nhánh lớn nhất thuộc Kito giáo.

Đây cũng được xem là sự kiện tôn giáo lớn nhất thế kỷ 20, khiến nhiều quốc gia đặc biệt chú ý.

pope-paul-vi-and-athenagoras-greeting-bettmann.jpg
Giáo hoàng Paul VI và Thượng phụ Athenagoras I ôm nhau, chính thức kết thúc đại ly giáo Đông - Tây. Ảnh: LineartAmerica

Cuộc đại ly giáo bắt đầu năm 1054 khi giữa hai bên xung khắc không thể hòa giải vì nhiều vấn đề liên quan đến thần học và quyền bính. Giáo hoàng Roma Leo IX và Thượng phụ Constantinopolis là Michael Cerularius đã ra vạ tuyệt thông lẫn nhau để hình thành nên hai giáo hội Đông (Chính thống giáo – Orthodox) và Tây (Công giáo – Catholic)

Một tuyên bố chung của Ðức Paul VI và Đức Athenagoras I có đoạn: "chúng tôi muốn hủy bỏ khỏi ký ức Giáo hội và khỏi tâm trí Giáo hội vạ tuyệt thông được công bố hồi ấy, và muốn chôn nó vào quên lãng".

Apollo 17 lên Mặt trăng

Ngày 7/12/1972, tàu Apollo 17 được phóng vào không gian với sứ mệnh hạ cánh lên Mặt Trăng, là chuyến đi cuối cùng trong chương trình Apollo của NASA. Đây cũng là lần gần nhất con người du hành ngoài quỹ đạo thấp của Trái đất và cũng là lần gần đây nhất con người đặt chân lên Mặt trăng.

the-blue-marble_11zon.jpg
 Bức ảnh Blue Marble do phi hành đoàn Apollo 17 chụp. Ảnh: NASA

Phi hành đoàn của nó bao gồm Chỉ huy Eugene Cernan, Phi công Mô-đun Mặt trăng Harrison Schmitt, và Phi công Mô-đun Chỉ huy Ronald Evans với thời gian làm việc 12 ngày. Phi hành đoàn đã chụp bức ảnh Blue Marble (đá cẩm thạch xanh) nổi tiếng về toàn bộ Trái đất, ở khoảng cách 29.000 km.

Gorbachev tới Mỹ dự cuộc gặp thượng đỉnh với Ronald Reagan

Ngày 7/12/1987, Mikhail Gorbachev bước xuống từ chiếc máy bay phản lực Ilyushin-62M tại Căn cứ Không quân Andrews, sau đó lên một chiếc Limousine Zil màu đen mang biển số Moscow trực chỉ Washington để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Ronald Reagan.

reagan_gorbachev_6_11zon.jpg
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Liên Xô - Mỹ năm 1987 được xem là tiền đề kết thúc Chiến thanh lạnh. Ảnh: Politico

Đây là lần gặp nhau thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo nhưng lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ. Như những lần trước, cuộc gặp lần này chủ đề chính là tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Liên Xô và Mỹ. Khoảng 5.000 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới tại một trung tâm báo chí chung Mỹ-Xô rằng nước ông sẽ coi cuộc gặp

Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung về trách nhiệm phải nỗ lực để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang, được xem như nền tảng để đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Lạnh của trật tự thế giới lưỡng cực.

Ronaldo giành Qủa bóng vàng thứ 5

Ngày 7/12/2017, Cristiano Ronaldo khi đó đang khoác áo Real Madrid giành giải thưởng Qủa bóng vàng lần thứ 5, san bằng kỷ lục của Lionel Messi. Đó cũng là lần thứ 2 liên tiếp và là lần cuối cùng cầu thủ người Bồ Đào Nha giành giải thưởng này.

2-5199-1638370891.jpg

Ở thời đỉnh cao phong độ Ronaldo luôn là đối trọng lớn nhất của Messi, là biểu tượng của hai trường phái, hai hình mẫu bóng đá, hai thủ lĩnh ở CLB lẫn ĐTQG.

Trung Quốc bãi bỏ chính sách ‘Zero Covid’

Ngày 7/12/2022, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 trên toàn quốc, cho phép cách ly tại nhà và loại bỏ mã QR, chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’.

Báo South China Morning Post khi đó đưa phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã thừa nhận có biểu tình liên quan đến các quy định chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh các cuộc biểu tình này "bị các thế lực nước ngoài lợi dụng".

Đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc phát biểu công khai về các cuộc biểu tình chống quy định COVID-19 ở nước này.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày 7/12 năm xưa: Ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông; Nhật tấn công Trân Châu cảng; Kết thúc ly giáo Đông - Tây; Gorbachev gặp Ronald Reagan; Ronaldo giành QBV thứ 5; Kết thúc 'Zero Covid'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO