Ngày 6/1 năm xưa: Kỳ bầu cử đầu tiên Quốc hội khóa I; Lễ Hiển linh (Epiphanie); Bạo loạn Điện Capitol; Mẹ Teresa đến Calcutta

Tổng hợp| 06/01/2024 06:00

Ngày 6/1/1946, tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Quốc hội khóa I) đã thông qua Hiến pháp 1946.

Kỳ bầu cử đầu tiên Quốc hội khóa I

Ngày 6/1/1946, tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến nhanh chóng tiến hành chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.

050120240109-1.jpeg
Người dân tại Hà Nội đi bầu cử Quốc hội khóa I. Ảnh: TTXVN

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Quốc hội khóa I) đã thông qua Hiến pháp 1946.

Trải qua 78 năm, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lễ Hiển linh (Epiphanie)

Theo truyền thống Kito giáo, ngày 6 tháng 1 hằng năm, hoặc Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, là Lễ Hiển linh, một trong những lễ trọng lâu đời nhất trong niên lịch Kitô giáo. Lễ Hiển linh còn có tên gọi khác là Lễ Ba Vua.

Trong Kitô giáo Tây phương, lễ này chủ yếu kỷ niệm sự viếng thăm và chiêm bái Đức Giêsu của ba đạo sĩ (hay là ba vua, ba nhà thông thái).

image-4.png
Lễ Hiển linh là đề tài của hội họa cả Đông lẫn Tây phương. Ảnh: historynet

Lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, ngày nay được tổ chức với nhiều phong tục tại các quốc gia trên thế giới.

‘Cha đẻ của di truyền hiện đại’ qua đời

Ngày 6/1/1884, linh mục Công giáo Gregor Johann Mendel qua đời, thọ 61 tuổi.

Gregor Johann Mendel được xem là ‘cha đẻ của di truyền hiện đại’. Ông sinh ra tại một làng quê thuộc Áo nhưng nói tiếng Đức là Hyncice. Ông gia nhập dòng tu Augustino và được gửi sang Vienna (Áo) học Đại học và sau đó thụ phong Linh mục.

Thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp khoa học của Mendel chính là người đầu tiên tìm ra một số quy luật di truyền học khi tiến hành các thí nghiệm trên cây đậu từ năm 1856 – 1863, ngay tại khu vườn của tu viện Augustino.

photo-1-16728774685541805425594_11zon.jpeg
Mendel được mệnh danh là 'Cha đẻ của di truyền hiện đại'. Ảnh: historynet

Kể từ khi được đề bạt làm Bề trên của tu viện, Mendel phải ngưng các công việc nghiên cứu do quá bận rộn các vấn đề của tu viện. Mãi 6 năm sau ngày ông qua đời các nghiên cứu quý giá của ông mới được nhân loại biết tới thông qua các nghiên cứu độc lập nhưng cùng một lúc (1900) của 3 nhà khoa học ở 3 quốc gia khác nhau: H. M. de Vries (Hà Lan), E. K. Corens (Đức) và E. V. Tschermak (Tiệp Khắc cũ). Nhờ ba nhà khoa học công nhận công trình của nhà tu Mendel nên thuyết Mendel mới ra đời được. Và năm 1900 được coi là năm ra đời của Di truyền học.

Mẹ Teresa đến Calcutta

Ngày 6/1/1929, Anjezë Gonxhe Bojaxhiu, được biết đến với cái tên trìu mến là Mẹ Teresa Calcutta, đến Ấn Độ và bắt đầu cuộc đời nữ tu tập sinh tại Darjeeling. Chuyến đi này khởi đầu của một tấm gương bác ái vĩ đại.

Bà sinh tại Skopje (thủ đô Bắc Macedonia ngày nay) nhưng là người gốc Albania. Năm 1937 Teresa khấn trọn đời khi đang dạy học tại trường tiểu học ở phía đông Calcutta. Bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Kolkata (Calcutta) năm 1950.

teresa-calcutta.jpg
Hình ảnh quen thuộc của Mẹ Teresa: chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Ảnh: politico

Với tư cách là một nữ tu và là nhà truyền giáo, Mẹ Teresa cho rằng mình nhận được "tiếng gọi trong tiếng gọi" một "mệnh lệnh" giúp đỡ người nghèo, bệnh tật và hấp hối.

Tại Calcutta, bà đã thành lập các trại trẻ mồ côi, nhà tế bần, bệnh viện và trường học, những dự án lan rộng khắp thế giới nhờ danh tiếng và danh tiếng của bà. Trước khi qua đời, bà đã thực hiện 517 nhiệm vụ nhân đạo ở hơn 100 quốc gia khác nhau.

Năm 1979 bà được trao giải Nobel Hòa bình và qua đời năm 1997 thọ 87 tuổi.

-Bạo loạn Điện Capitol

Vào ngày 6/1/2021, một nhóm người ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ thời đó Donald Trump tiến vào Washington, D.C. và xông vào Điện Capitol. nơi Quốc hội đang họp để chứng nhận chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, đòi bác bỏ chiến thắng trên.

Trong nỗ lực lật ngược tình thế, những người ủng hộ ông Trump đã vượt qua lực lượng an ninh, phá hoại và chiếm giữ một số khu vực, tòa nhà trong nhiều tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nỗ lực của lực lượng này đã không thay đổi được kết quả bầu cử.

ap21006789526874_11zon.jpeg
Người ủng hộ ông Donald Trump 'công thành' Điện Capitol. Ảnh: AP

Nguyên nhân của vụ ‘làm loạn’ này là do Donald Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc gian lận cử tri trên diện rộng, mặc dù không có bằng chứng nào.

Hậu quả của vụ làm loạn này là 5 người chết, rất nhiều khu vực bị phá hoại, hư hỏng và cả trộm cắp. Lực lượng vệ binh quốc gia quận Colombia đã được điều đến để giải quyết. Ông Trump sau đó đã đăng tweet kêu gọi người ủng hộ về nhà và ‘giữ ôn hòa’.

Vụ việc bị rất nhiều lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế lên án. Tại Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện đều kêu gọi truy tố Donaldp Trump.

Tổng thống Trump bị luận tội lần thứ hai vào ngày 13 tháng 1 năm 2021. Ông là quan chức liên bang duy nhất bị luận tội 2 lần và là một trong 3 Tổng thống Mỹ trong lịch sử bị luận tội, nhưng tất cả đều được tha bổng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngày 6/1 năm xưa: Kỳ bầu cử đầu tiên Quốc hội khóa I; Lễ Hiển linh (Epiphanie); Bạo loạn Điện Capitol; Mẹ Teresa đến Calcutta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO