-Ngày truyền thống ngành xăng dầu Việt Nam
Ngày 15/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13 tháng 3 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Xăng dầu Việt Nam".
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, kể từ khi Pháp đặt chân đến Việt Nam, xăng dầu và các mặt hàng kỹ thuật của văn minh phương Tây cũng theo chân có mặt tại nước ta. Kể từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm nghề khai mỏ, xi măng, trồng cao su, dệt vải, hỏa xa và xăng dầu trên đất nước Việt Nam.
Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây đã đến Cảng Nhà Bè, Cảng Hải Phòng và lựa chọn địa điểm Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè và Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (ngày nay thuộc PETROLIMEX) làm lãnh địa để hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Sự có mặt của các hãng dầu SHELL, CALTEX, ESSO đã xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và những người làm nghề xăng dầu ở Nhà Bè, Thượng Lý đã hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam.
-Thành lập Vương quốc Campuchia
Ngày 13/3/1945, Quốc vương Norodom Sihanouk tuyên bố thành lập Vương quốc Campuchia, đồng thời thay đổi tên chính thức của quốc gia bằng tiếng Pháp từ Cambodge thành Kampuchea.
Thời điểm này đang lúc Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật đánh bại Pháp và thiết lập ảnh hưởng tại Đông Dương. Một trong những chính sách của Nhật là khuyến khích người bản địa tuyên bố độc lập nhằm xóa bỏ vai trò ‘mẫu quốc’ của Pháp. Ngày 18/3/1945, Norodom Sihanouk kiêm nhiệm chức Thủ tướng.
Thời điểm đó Norodom Sihanouk mới 23 tuổi. Sau khi ‘nhiếp chính’, ông đã bãi bỏ các hiệp ước Pháp-Campuchia trước đây và cam kết đưa quốc gia mới độc lập của mình ra hợp tác và liên minh với Nhật Bản. Chính phủ mới đã loại bỏ việc Latinh hóa tiếng Khmer mà chính quyền thực dân Pháp đang bắt đầu thi hành và chính thức phục hồi chữ viết Khmer, phục hồi Phật lịch.
Tuy nhiên khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Pháp quay trở lại Đông Dương và khôi phục ách thống trị.
Tháng 5 năm 1953, Quốc vương Norodom Sihanouk sang tị nạn tại Thái Lan và từ chối hồi hương cho đến khi có độc lập. Ông về nước ngày 9/11/1953, khi Pháp đồng ý trao trả chủ quyền cho Campuchia, cũng là ngày Quốc khánh Campuchia.
-Hồng y Jorge Mario Bergoglio đăng cơ Giáo hoàng
Ngày 13/3/2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio đã được Mật nghị Hồng y bầu là Giáo hoàng kế nhiệm Benedict XVI, chọn tông hiệu là Phanxico (Francis ) với mong muốn theo gương Thánh Francisco de Assisi.
Francis là là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, là Gi áo hoàng người Nam Mỹ đầu tiên, người Argentina đầu tiên, người đầu tiên xuất thân từ dòng Tên.
Giáo hoàng Francis là người gốc Ý nhập cư vào Argentina. Ông vào tập viện dòng Tên năm 1958 và sau đó chuyển sang học tập, nghiên cứu nhân văn ở Santiago, Chile, và lấy bằng cấp triết học ở Buenos Aires.
Sau khi tốt nghiệp, ông dạy văn học và tâm lý học ở trường trung học đồng thời theo đuổi nghiên cứu thần học. Ông được thụ phong linh mục năm 1969 và trở thành bề trên của tỉnh dòng Argentina giai đoạn 1973–79. Năm 1992, ông được tấn phong Giám mục phụ tá của Buenos Aires và Tổng Giám mục Buenos Aires năm 1998, tấn phong Hồng y năm 2001.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina bắt đầu vào cuối những năm 1990, lên đến đỉnh điểm vào năm 2002, ông nổi tiếng là người giản dị, khiêm tốn, sống trong một căn hộ đơn giản ở trung tâm thành phố thay vì tại Tòa Tổng giám mục, thường xuyên đi xe buýt thay vì xe riêng. Ông thẳng thắn bênh vực người nghèo, phát huy quan điểm của giáo hội về các vấn đề xã hội trong các cuộc họp với quan chức Chính phủ.
Tuy nhiên, Tổng Giám mục Bergoglio cũng bị đánh giá là có quan điểm bảo thủ thần học khiến ông mâu thuẫn với chính quyền trung tả của Tổng thống Néstor Kirchner lẫn người kế nhiệm là Cristina Fernández de Kirchner. Ông đặc biệt chỉ trích các giải pháp xã hội của Fernández, nhất là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2010. Ngược lại, Fernández miêu tả Bergoglio là một kẻ cực đoan cánh hữu và là người ủng hộ chế độ độc tài Videla.
Đương kim Giáo hoàng Francis được đánh giá đã mang lại nhiều cải cách cho giáo hội và là người khiêm nhường. Những thành tựu quan trọng của ông gồm thông điệp ‘Laudato si’ năm 2015, kêu gọi mạnh mẽ, thúc đẩy sự hiệp nhất giữa những người trong lẫn ngoài Công giáo, và cả những người không Kitô giáo, cùng đáp lại “tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo”.
Thông điệp cũng kêu gọi mỗi cá nhân trải qua một cuộc hoán cải sinh thái, là “sự biến đổi của trái tim và khối óc hướng tới tình yêu lớn hơn đối với Thiên Chúa, đối với nhau và tạo vật. Đó là một quá trình ghi nhận sự đóng góp của con người với cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoảng sinh thái và hành động theo những cách nuôi dưỡng sự hiệp thông: hàn gắn và làm mới lại ngôi nhà chung.
Thông điệp khẳng định “nghĩa vụ của các tín hữu Công giáo đối với thiên nhiên và Đấng tạo hóa là thành phần thiết yếu của đức tin của họ”.
Francis cũng nổi bật về các hoạt động đại kết liên tôn. Bốn tháng sau khi ban hành Laudato si’, ông thăm Mỹ, trở thành Giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Tháng 2/2016, ông và Thượng phụ Kirill I gặp gỡ tại Cuba, đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo Công giáo và Chính Thống giáo Nga gặp nhau.
Năm 2019 ông là Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bán đảo Ả Rập, nơi khai sinh ra Hồi giáo, nhằm thúc đẩy tình huynh đệ tôn giáo và hòa bình. Trong 3 ngày này ông đã tham dự Hội nghị toàn cầu về Tình huynh đệ con người và gặp gỡ Đại Imam Ahmed al-Tayeb, lãnh tụ tối cao của Hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, cũng là lãnh đạo tối cao của Hồi giáo Sunni.
Tuy nhiên, những ngày qua Giáo hoàng Francis khiến dư luận thế giới nổi sóng khi dùng cụm từ ‘giương cờ trắng’ với Ukraine trong bình luận về các cuộc giao tranh trên thế giới. Hầu hết các nước phương Tây đã phản đối vì đều ủng hộ Ukraine.
Người phát ngôn của Tòa thánh, Hồng y Matteo Bruni, đã giải thích rằng lời của Giáo hoàng bị hiểu sai. Điều Giáo hoàng muốn nói không phải là Ukraine nên "giương cờ trắng đầu hàng", thay vào đó là kêu gọi chấm dứt giao tranh.
Cụ thể, người phỏng vấn đã dùng cụm từ "giương cờ trắng" trong câu hỏi của mình. Đáp lại, Giáo hoàng nói: "Đây là một cách diễn giải. Đúng vậy. Nhưng tôi cho rằng người mạnh nhất là người nhìn vào tình huống, nghĩ về nhân dân, và có đủ dũng cảm để giương cờ trắng, và đàm phán".
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo cũng diễn giải rằng: đừng xấu hổ khi thương lượng để tránh chuyện trở nên xấu hơn. Đàm phán không phải là đầu hàng, mà là dũng cảm để không đưa đất nước đến chỗ diệt vong.