- Thomas Edison hoàn thành xưởng phim đầu tiên trên thế giới
Vào ngày 1/2/1893, xưởng phim đầu tiên trên thế giới ra đời, do nhà phát minh Thomas Edison thực hiện. Xưởng đặt tại West Orange (New Jersey) có tên là Black Maria vì nó giống với một toa xe tuần tra của cảnh sát (còn được gọi là "xe chở lúa").
Tuy nhiên, Black Maria không sản xuất lên màn ảnh rộng mà chỉ sử dụng máy xem một người (kinetscope) thông qua một một ống ngắm ở đầu thiết bị.
Từ thập niên 1890, Edison đã phát triển máy ảnh và thiết bị xem hình ảnh và tổ chức một số buổi xem thử và đã nhận được bằng sáng chế cho chiếc máy quay phim Kinetograph. Không giống như những chiếc máy ảnh trước đây, Kinetograph của Edison sử dụng phim celluloid, do George Eastman phát minh vào năm 1889.
Sau khi hoàn thành xưởng phim, tháng 5/1893 Thomas Editon trình chiếu thử bộ phim đầu tiên của mình, với ba công nhân của ông đóng vai làm thợ rèn, vào tháng 5/1893. Phát minh này đã truyền cảm hứng để các nhà phát minh người Pháp Louis và August Lumiere phát triển máy quay phim kiêm máy chiếu, Cinematographe.
-Biểu tình ngồi ở Greensboro
Ngày 1/2/1960, 4 sinh viên da màu đã tổ chức cuộc biểu tình bất bạo động bằng cách ngồi vào quầy ăn trưa trong siêu thị Woolworth tại Greensboro, Bắc Carolina dẫn đến những thay đổi về chính sách phân chia chủng tộc ở các bang miền Nam nước Mỹ.
Thành công của cuộc 'biểu tình ngồi' (sit-in) đã dẫn đến một phong trào biểu tình ngồi rộng rãi khắp miền Nam, được tổ chức bởi Ủy ban Điều phối Bất bạo động Sinh viên (SNCC).
Cuộc biểu tình ngồi được tổ chức bởi Ezell Blair, Jr. (sau này là Jibreel Khazan), Franklin McCain, Joseph McNeil và David Richmond, còn gọi là nhóm Greensboro Four, tất cả đều là người Mỹ gốc Phi và đang là sinh viên tại Đại học Nông nghiệp và Kỹ thuật Bắc Carolina.
Chiều ngày 1/2/1960, 'Greensboro Four' bước vào khu dịch vụ ăn uống của cửa hàng bán đồ tổng hợp của Woolworth. Cả bốn mua một ít đồ và giữ lại biên lai làm bằng chứng mua hàng trước khi ngồi xuống quầy ăn trưa của cửa hàng. Đây vốn là nơi ‘chỉ dành cho người da trắng’ trong khi người da đen phải đứng ăn ở một khu vực khác.
Greensboro Four lịch sự yêu cầu phục vụ tại quầy trong khi nhân viên phục vụ từ chối. Người quản lý quầy ăn trưa đã gọi cảnh sách nhưng khi đến nơi họ tuyên bố không can thiệp vì cả nhóm này đang là khách hàng, đã mua đồ và trả tiền, không có bất cứ hành động khiêu khích nào.
Tuy nhiên, phản ứng của giới truyền thông là ngay lập tức. Một bức ảnh của Greensboro Four xuất hiện trên các tờ báo địa phương, và cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng.
Ngày hôm sau, Greensboro Four tiếp tục quay trở lại quầy ăn trưa của Woolworth, cùng với khoảng 20 sinh viên da màu nữa và tiếp tục ‘ngồi đồng’ ở khu chỉ dành cho người da trắng. Liên tiếp 3 ngày sau đó, lượng người da đen kéo đến ngày càng đông, ngồi tràn trong quầy ra đến cửa và cả vỉa hè.
Trong vòng vài tuần, các phương tiện truyền thông tại Mỹ liên tiếp đưa tin về ‘cuộc biểu tình ngồi’ này, tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho hàng loạt cuộc biểu tình tương tự ở nhiều thành phố trên khắp nước.
Chẳng bao lâu sau, các cơ sở ăn uống trên khắp miền Nam đã thay đổi về chính sách phục vụ. Đến tháng 7/1960, quầy ăn trưa tại Woolworth đã đồng ý phục vụ khách hàng như nhau, không phân biệt màu da.
Cuộc biểu tình ngồi ở Greensboro đã tạo ra một khuôn mẫu cho phản kháng bất bạo động và đánh dấu thành công ban đầu của phong trào dân quyền.
-Tập đầu tiên của Từ điển Oxford được xuất bản.
Ngày 1/2/1884, tập đầu tiên trong số 10 tập của Từ điển tiếng Anh Oxford được xuất bản ở London.
Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary - OED) được ấn hành bởi Nhà xuất bản Clarendon của ĐH Oxford là một ấn phẩm được coi là từ điển tiếng Anh đầu tiên. Từ điển này bắt đầu được xây dựng vào năm 1857 nhưng phải đến năm 1884 mới được xuất bản lần đầu.
Được sắp xếp chủ yếu theo thứ tự xuất hiện trong lịch sử, các định nghĩa trong OED được minh họa bằng khoảng 2.400.000 trích dẫn có niên đại từ các tài liệu và hồ sơ bằng tiếng Anh.
Năm 1933, Từ điển tiếng Anh mới được tái bản thành 12 tập (kèm theo phần bổ sung 1 tập) với tên gọi Từ điển tiếng Anh Oxford. Cả NED và OED đều được Nhà xuất bản Clarendon của Oxford xuất bản.