Ngân hàng SCB và báo cáo 'nhảy múa' ra sao về cho vay, lợi nhuận?

20/11/2023 15:15

Với con số 677.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tại thời điểm tháng 10/2022 theo kết luận của cơ quan điều tra, báo cáo tài chính của ngân hàng SCB không thực sự đáng tin cậy.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của SCB giai đoạn từ 2017 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tiến hành thanh tra tại ngân hàng này) đến kỳ công bố báo cáo tài chính gần nhất (quý II/2022), dư nợ cho vay khách hàng tăng đều qua từng năm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của nhà băng này lại ẩn đi thông tin về cơ cấu ngành nghề cho vay.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2017, khi đang thanh tra, dư nợ cho vay tại SCB là 226.500 tỷ đồng, tăng tới 20% so với đầu năm, trong khi mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của năm này là 18,17%, theo thông tin từ NHNN.

Đến thời điểm cuối năm 2018, SCB có dư nợ cho vay đạt 302.000 tỷ đồng, tăng 13%. Con số này tăng lên 334.000 tỷ vào cuối năm 2019, tương đương mức tăng 10,5%.

Mức tăng trưởng về dư nợ cho vay năm 2020 của SCB chỉ đạt 5% khi dư nợ cho vay tại thời điểm 31/12/20 là hơn 351.000 tỷ đồng.

Năm 2021 đánh dấu mức tăng trưởng cho vay thấp nhất, chỉ đạt 2,57% khi dư nợ cho vay là 360.500 tỷ đồng.

Nhưng chỉ trong hai quý đầu năm 2022, SCB đã đẩy mạnh cho vay ra với mức tăng trưởng tín dụng lên đến 8,14% so với đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của SCB, cũng là báo cáo gần nhất ngân hàng này công bố, tổng mức cho vay khách hàng đạt 390.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất các năm của SCB cũng không công bố chi tiết về nợ xấu cũng như giao dịch với các bên liên quan hay thông tin về huy động trái phiếu.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng theo từng năm. Năm 2017, ngân hàng trích lập dự phòng 889 tỷ đồng, sang năm 2018 chi phí dự phòng lên đến 2.161 tỷ đồng, tăng 143% so với năm 2017.

Năm 2019 SCB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 2.371 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Trong khi đó, mức trích lập dự phòng của năm 2020 là 1.337 tỷ đồng, giảm 43% so với năm liền kề trước đó.

Đáng chú ý khi mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 của SCB tăng đột biến lên 7.376 tỷ đồng, tương đương mức tăng 451% so với mức trích lập dự phòng của năm 2020.

Về lợi nhuận sau thuế hợp nhất, năm 2017 SCB đạt 124 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016. Năm 2018, mức lợi nhuận sau thuế là 176 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2017.

Năm 2019 ngân hàng đạt 174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm nhẹ 1,1% so với năm trước.

Thậm chí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 của SCB chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm 61% so với năm trước đó.

Sang năm 2021, mức lợi nhuận này là 1.139 tỷ đồng, tăng đột biến 1.600% so với năm 2020.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 304.000 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt được bà Lan sử dụng vào các mục đích trả nợ cũ, trả nợ các ngân hàng khác, đầu tư dự án hoặc chi tiêu các việc không đúng với phương án vay vốn.

Các khoản vay của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đều được ký khống thủ tục, hợp thức hoá hồ sơ, bỏ qua các bước thẩm định khách hàng, tài sản đảm bảo theo quy định.

Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1,066 triệu tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, các khoản cho vay tại SCB còn dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng đều thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB.

Trong số này, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng tiền gốc cùng gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Với con số 677.000 tỷ đồng dư nợ cho vay tại thời điểm tháng 10/2022, theo kết luận của cơ quan điều tra, chứng tỏ rằng báo cáo tài chính của SCB không thực sự đáng tin cậy, bởi không thể nào một ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng cho vay lên đến hơn 70% chỉ trong vòng hơn nửa năm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng SCB và báo cáo 'nhảy múa' ra sao về cho vay, lợi nhuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO