Những ngày này, khi xung đột giữa Nga và Ukraine đang leo thang căng thẳng, tôi nhớ lại cuốn sách Những tù nhân của địa lý của Tim Marshall mà mình từng đọc trước đó không lâu. Có những cường quốc mãi mãi là tù nhân của địa lý, có những lý giải hết sức thú vị về tầm quan trọng của một dãy núi, một dòng sông đến lịch sử, chính trị, vị thế của một quốc gia… tất cả đều có trong cuốn sách này.
Tim Marshall là ký giả người Anh với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại. Ngoài vai trò ký giả và biên tập viên, Marshall còn là nhà bình luận khách mời về các sự kiện thế giới cho BBC, Sky News. Những tù nhân của địa lý – tựa gốc Prisoners of Geography là một trong năm cuốn sách của ông đều nằm trong danh sách bán chạy của The New York Times và được xuất bản ra nhiều thứ tiếng.
Nếu bạn yêu thích địa lý, chính trị, thường xuyên theo dõi các bản tin thời sự thì Những tù nhân của địa lý chính là quyển sách dành cho bạn. Một trong những quyển sách hay nhất về địa chính trị mang hơi thở hiện đại, bao quát nhiều chủ đề, nhiều câu chuyện thời sự nóng hổi đương thời và cả những biến cố chính trị lớn trong quá khứ.
Theo quan điểm của Marshall, miền đất chúng ta sống sẽ định hình chúng ta, mở rộng ra là lãnh thổ một quốc gia, dân tộc. Marshall tin và có căn cứ để chỉ ra rằng những nhà lãnh đạo bất cứ quốc gia nào, ở một mức độ nhất định sẽ luôn bị định hình bởi sông, núi, sa mạc, hồ và biển, là những thứ ràng buộc tất cả chúng ta. Địa chính trị ảnh hưởng tới mọi quốc gia dù trong thời chiến hay trong thời bình.
“Người Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía tây, nơi có dải đất vẫn còn là bình nguyên, dễ bị xâm nhập; Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị ngăn cách bởi dãy Himalaya sừng sững, và địa lý sẽ xác định bản chất của những cuộc xung đột giữa hai nước trong tương lai, bất chấp sự phát triển của công nghệ và quân sự”.
Nếu theo dõi thường xuyên các bản tin thời sự, chúng ta hẳn không xa lạ gì với những căng thẳng giữa Nga và Ukraine mà đỉnh điểm là xung đột quân sự sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao? Nguồn gốc những xung đột đó đến từ đâu? Có yếu tố nào bắt nguồn từ chính yếu tố thuộc về vị trí địa lý của Nga và Ukraine? Những tù nhân của địa lý cũng sẽ mang đến cho bạn câu trả lời đồng thời gợi lên nhiều góc nhìn thú vị.
10 chương sách là những phân tích của Marshall về một số quốc gia và khu vực tiêu biểu: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên, Châu Âu, Mỹ Latin, Bắc cực…Trong đó hiển nhiên phần viết về Nga là chi tiết nhất, thú vị nhất.
Đó là dòng mở đầu chương Marshall viết về Nga. Xuyên suốt quyển sách này cũng không thiếu những ví von, so sánh hài hước châm biếm như thế. Tại sao Nga quyết tâm sáp nhập Crimea? Nga sở hữu những lợi thế và bất lợi gì về vị trí địa lý? Tất cả đều có trong chương sách này.
Nhiều người cho rằng một quyển sách thuần về địa chính trị sẽ rất khô khan khó nuốt. Nhưng với Những tù nhân của địa lý bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi lối viết xúc tích, dễ hiểu, giọng văn giàu trải nghiệm, các phép so sánh, ẩn dụ pha chút hài hước châm biếm. Marshall mang đến cho người đọc cảm giác đang được ngồi nghe một chuyên gia nói chuyện thao thao bất tuyệt về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị. Nó thú vị đến nỗi bạn cứ đọc trang này rồi lại nhanh chóng muốn đọc trang sau để mở mang hiểu biết, tìm hiểu thêm các vấn đề.
Đặc biệt, rất thú vị khi trải tấm bản đồ thế giới hoặc để quả địa cầu bên cạnh khi đọc sách. Tin tôi đi, bạn sẽ cùng lúc khám phá ra được rất nhiều điều mới mẻ.