Nên ứng phó với đợt tăng ca nhiễm Covid-19 mới như thế nào?

14/04/2023 21:20
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Không có nước nào trên thế giới áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, khẩn cấp về chống Covid-19 ở giai đoạn hiện nay.

Bộ Y tế vừa ra công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lý do của việc ra công văn khẩn này là qua theo dõi, Bộ Y tế nhận thấy số ca mắc Covid-19 trong ngày của tuần này cả nước đã tăng gấp 3,8 lần so với số trung bình của tuần trước đó.

Với chức năng gác cổng về sức khỏe cho cả nước thì công văn này của Bộ Y tế là kịp thời, thể hiện sự mẫn cán của công chức khi thi hành chức trách. Các biện pháp được đề ra trong công văn tuy chỉ đơn thuần nhắc lại quyết định, thông tư trước đây, nhưng đều cần thiết như: theo dõi sát tình hình dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đeo khẩu trang, tiêm vaccine cho các đối tượng có nguy cơ cao…

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm hơn 2 năm chống dịch và từ thực tế thế giới cũng như trong nước, chúng ta không chủ quan nhưng thiết nghĩ cũng nên bình tĩnh, không lo lắng quá mức khiến ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Trước hết, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới không phải ở giai đoạn báo động trở lại mà thực tế là đã giảm nhiệt từ lâu và dần được tháo gỡ hầu hết các "hàng rào" phòng, chống dịch.

Nên ứng phó với đợt tăng ca nhiễm Covid-19 mới như thế nào? - 1

Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 tháng 11/2021 (Ảnh: Minh Nhật)

Ngày 28/2, bang California của Mỹ chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 sau gần 3 năm kể từ ngày Thống đốc bang Gavin Newsom ký ban hành. Ngày 10/4, Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Covid-19 trên toàn Hoa Kỳ.

Trên bình diện thế giới thì người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến tổ chức này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về Covid-19 trong năm 2023 nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Các nước gần ta cũng nhiều nước đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về Covid-19 như Thái Lan, Nhật Bản. Nước lớn ngay sát cạnh ta, Trung Quốc từ đầu năm 2023 đã có thay đổi lớn về chính sách với Covid-19, bỏ kiểm soát nghiêm ngặt, mở cửa lại nền kinh tế sau một thời gian dài đóng kín.

Nhìn chung, không có nước nào trên thế giới đi ngược lại xu hướng nói trên, hay nói cách khác là không có nước nào áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, khẩn cấp về chống Covid-19 ở giai đoạn hiện nay.

Về tình hình trong nước, căn cứ thực tế cũng như thông báo khẩn của Bộ Y tế cho thấy vấn đề hiện nay chỉ là số lượng ca mắc Covid-19 hàng ngày có tăng lên, chứ không phải phát hiện ra điều gì mới về y khoa như có chủng virus mới, lây nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn.

Con số ca nhiễm tăng cũng chỉ là vài trăm ca một ngày trên toàn quốc, một con số rất nhỏ so với thời khi chúng ta vừa mở cửa trở lại. Số mắc mới khi ấy còn hàng chục nghìn ca một ngày, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm mở cửa lại xã hội. Diễn biến sau đấy của dịch đã chứng minh Việt Nam làm đúng.

Dịch Covid-19 đã và đang qua đi, không còn là một dịch bệnh khẩn cấp nữa mà trở thành một dạng bệnh lưu hành theo mùa, giống như cúm. Cơ sở khoa học của kết luận này đã được khẳng định là do tiến hóa tự nhiên của các dịch bệnh sẽ chuyển thành các chủng dễ lây nhiễm hơn, nhưng giảm độc lực và do trong xã hội đã có miễn dịch cộng đồng.

Đây cũng chính là lý do khiến cho Mỹ và nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế do Covid-19. Đợt tăng số ca nhiễm mới Covid-19 này ở Việt Nam cũng trùng với đợt tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp do chuyển mùa mà thôi

Ở Mỹ, cùng với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chi tối thiểu 5 tỷ USD để hợp tác với các công ty tư nhân tiếp tục nghiên cứu các vấn đề cơ bản hơn là loay hoay với những biện pháp hành chính.

Chương trình với tên gọi Dự án thế hệ tiếp theo (Project NextGen), công bố ngày 10/4 vừa qua, có 3 mục tiêu chính bao gồm phát triển một loại vaccine dạng xịt mũi nhằm tránh lây nhiễm và bệnh nặng; phát triển các loại vaccine có hiệu quả lâu dài hơn, và tạo ra các loại vaccine có thể chống lại tất cả các loại biến thể. Ngoài ra, chương trình này cũng bao gồm ngân sách cho việc phát triển các kháng thể đơn dòng lâu dài nhằm chống lại các biến thể mới của Covid-19.

Thiết nghĩ, đó cũng là một gợi ý cho y tế Việt Nam về công việc tiếp theo khi dịch bệnh Covid 19 đã trở thành bệnh lây truyền theo mùa, ngoài các việc đang làm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... như vẫn khuyến cáo lâu nay.

Từ hai năm trước, chúng ta đã nói rất nhiều về nghiên cứu vaccine của Việt Nam và các biện pháp căn cơ về y tế khác. Tôi cho rằng đây mới là hướng công việc thiết thực của ngành y tế và các ngành liên quan trong phòng, chống dịch.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/nen-ung-pho-voi-dot-tang-ca-nhiem-covid-19-moi-nhu-the-nao-20230414160540228.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/nen-ung-pho-voi-dot-tang-ca-nhiem-covid-19-moi-nhu-the-nao-20230414160540228.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nên ứng phó với đợt tăng ca nhiễm Covid-19 mới như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO