Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần này được nối lại sau hơn 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19 và là lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự (đây là cơ chế họp 18 tháng 1 lần giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và 27 thành viên EU, là hoạt động riêng biệt với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hàng năm).
Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU không ngừng được củng cố và phát triển. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN) |
Quan hệ ASEAN-EU phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu
Kể từ năm 1977, quan hệ hợp tác ASEAN-EU không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Quan hệ hai bên trong những năm qua, nhất là sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2020, tiến triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào năm 2021, EU chính thức công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. EU cũng tham gia tích cực trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Trên lĩnh vực kinh tế-thương mại, EU hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 của ASEAN còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 ngoài khu vực châu Âu của EU. EU cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối, hội nhập và phát triển bền vững thông qua các chương trình hợp tác phát triển.
Nâng tầm quan hệ với ASEAN, EU một lần nữa khẳng định ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp, với nền tảng là các cơ chế và tiến trình do ASEAN dẫn dắt.
Thời gian qua, EU đẩy mạnh điều chỉnh chính sách theo hướng “tự chủ chiến lược”, nỗ lực tăng cường hợp tác với khu vực thông qua việc triển khai các sáng kiến về kết nối với khu vực như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Cổng kết nối toàn cầu, La bàn chiến lược qua đó củng cố vai trò và vị thế của EU trên toàn cầu…
Việc EU gia tăng tính tự chủ, gia tăng khả năng hành động ở châu Á là nhu cầu cần thiết để bảo vệ các lợi ích của EU ở khu vực. Trở thành Đối tác chiến lược của ASEAN, EU có nhiều cơ hội quan trọng để tăng cường ảnh hưởng trong các lĩnh vực, như an ninh, chính trị, kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24, ASEAN và EU dự kiến sẽ tiến hành rà soát quan hệ hợp tác, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới và nhất là triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-EU năm 2022 và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. |
Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPMF) là sáng kiến của EU nhằm triển khai Chiến lược hợp tác của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (12/2021). IPMF lần này diễn ra trong nhiệm kỳ Bỉ đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của EU 6 tháng đầu năm 2024 và trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu (6/2024).
EU kỳ vọng IPMF-3 sẽ tạo động lực quan trọng để tăng cường đối thoại và hợp tác giữa EU và các đối tác khu vực, trong bối cảnh tình hình mới nhiều biến động. Dự kiến, đây sẽ là IPMF lớn nhất EU từng tổ chức với gần 80 đoàn tham dự, dưới sự chủ trì của Phó Chỉ tịch EC/Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại.
Việt Nam – Cầu nối quan trọng
Bên cạnh bước tiến vượt bậc về hợp tác song phương với EU thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành một cầu nối rất quan trọng và hiệu quả, góp phần tăng cường các cơ chế hợp tác chung giữa ASEAN với EU.
EU coi trọng vị thế của Việt Nam tại ASEAN và khu vực; quan tâm triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thông qua Việt Nam, tăng cường vai trò và hợp tác kinh tế đối với khu vực.
Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đang tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai bên, đồng thời được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.
Sách trắng 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy, Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu, với động lực lớn nhất là Hiệp định EVFTA, giúp loại bỏ nhiều loại thuế quan và thúc đẩy một môi trường thương mại hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Thỏa thuận này không chỉ thúc đẩy thương mại mà còn khuyến khích phát triển bền vững và tiêu chuẩn cao hơn trong thực hành lao động và môi trường.
Với các doanh nghiệp châu Âu, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, cùng với vị trí địa lý chiến lược và lực lượng lao động trẻ, năng động, là yếu tố then chốt trong việc thu hút đầu tư từ châu lục.
Mức thặng dư thương mại của Việt Nam với EU đã tăng liên tục trong hai thập kỷ qua, từ mức 1,3 tỷ USD năm 2002 lên đến 34,3 tỷ USD vào năm 2023. Kim ngạch thương mại cũng chứng kiến sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu trong những năm qua với mặt hàng như dệt may, giày dép, hải sản, cà phê, và máy tính, điện tử.
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của EU và Việt Nam trong năm 2023 đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022 do tác động của tình hình thế giới, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam.Việt Nam tiếp nhận nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Ông Pierre Grega Giám đốc Trung tâm Phát triển-Phục hồi-Hội nhập và An ninh (DRIS) có trụ sở tại Brussels nhận định, Việt Nam cần tận dụng quan hệ tốt đẹp với các nước thành viên EU để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU, như khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020. Sự năng động của nền kinh tế, quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước EU đã mang lại cho Việt Nam những lợi thế và đóng góp tích cực trong thúc đẩy hợp tác liên khu vực.
Còn ông Charaf Kadri, Tổng Giám đốc của Sandoz Vietnam, công ty hoạt động trong ngành Dược được thành lập năm 1886 tại Thụy Sỹ, cho rằng châu Âu đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng và sự năng động vượt trội của kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024. (Nguồn: VGP) |
"Sức hấp dẫn của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam là điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài, nhất là khi thế giới bước vào kỷ nguyên mới lấy trí tuệ nhân tạo làm động lực tăng trưởng và kinh tế xanh", ông Charaf Kadri chỉ rõ.
Theo ông Charaf Kadri, quan hệ hợp tác Việt Nam-EU đã được nâng cao hơn nữa sau chuyến công tác châu Âu dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua, từ đó có thể mang lại các dự án đầu tư nước ngoài từ tất cả 27 quốc gia thành viên của EU. Gần đây, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự dịch chuyển này.
Thông qua WEF, Thủ tướng đã thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với sự phát triển của kinh tế thế giới cũng như cho thế giới biết đến tiềm năng phát triển kinh tế độc đáo của Việt Nam và khu vực ASEAN. Từ đó, đưa Việt Nam thành đối tác địa chính trị quan trọng và củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho giới đầu tư toàn cầu.
Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh
Cùng với tăng cường trao đổi kinh tế-thương mại, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực trụ cột, được Việt Nam và EU quan tâm thúc đẩy. Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam và EU đang tích cực triển khai các sáng kiến hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững. Với sự điều phối của Anh và EU, quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng (JETP) với Việt Nam đang được Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xem xét thiết lập. Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến này.
Tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp và chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung. Chuyển đổi xanh vừa là thế mạnh của EU, vừa là lĩnh vực EU đi tiên phong trên toàn cầu trong định hình các quy định, tiêu chuẩn xanh toàn cầu có tác động đến Việt Nam.
Thời gian tới, EU bắt đầu triển khai các sáng kiến thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), trong đó áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.
Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việc tham gia Diễn đàn các Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 là dịp để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với EU và các nước thành viên, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm, góp phần huy động nguồn lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam, trong đó có tăng trưởng xanh và ứng phó với biến động khí hậu”.
(tổng hợp)