Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm

Đinh Phương Nhung| 06/07/2023 13:30

Lê Xuân Mạnh là thí sinh đầu tiên đưa cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Thanh Hóa kể từ năm 2010. Hiện nay, Mạnh đang nỗ lực chuẩn bị cho trận chung kết Olympia năm thứ 23.

Lê Xuân Mạnh, học sinh lớp 11 của Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa, là thí sinh giành chiến thắng trong trận thi quý 3 của Đường lên đỉnh Olympia năm nay với số điểm 160.

Những ai theo dõi chương trình không chỉ ấn tượng bởi phong cách chơi tốc độ, quyết đoán của nam sinh Thanh Hóa mà còn ấn tượng bởi giọt nước mắt xúc động của em khi cái tên Lê Xuân Mạnh nằm trong danh sách thí sinh tham gia vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2023.

Rơi nước mắt vì sau hơn 10 năm Thanh Hóa mới có thêm thí sinh vào vòng chung kết

Ngay sau khi câu hỏi cuối cùng của trận đấu kết thúc, Lê Xuân Mạnh vỡ òa trong sự xúc động, ngồi thụp xuống và rơi nước mắt ngay trên sân khấu.

Mạnh cho biết, cảm xúc lúc đó của em là "không thể diễn tả được bằng lời" khi trở thành học sinh đầu tiên của Thanh Hóa sau 13 năm không có thí sinh tham dự vòng chung kết của cuộc thi. Thí sinh cuối cùng của Thanh Hóa tham dự vòng chung kết năm 2010 của Đường lên đỉnh Olympia là Đỗ Đức Hiếu và Giang Thanh Tùng.

Ngoài ra, Mạnh cũng là thí sinh đầu tiên đến từ Trường THPT Hàm Rồng tham dự cuộc thi này.

Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm - 1
Mạnh làm dấu tay ám chỉ con số 13 thể hiện dấu mốc 13 năm ý nghĩa trên trận thi quý 3 vừa qua (ảnh: NVCC).

Trở thành "thí sinh đầu tiên" mang quá nhiều ý nghĩa, Mạnh không hề cảm thấy áp lực. Ngược lại, nam sinh cảm thấy được tiếp thêm những nguồn sức mạnh to lớn, khiến em thoải mái "bung xõa" sức mình trên đấu trường Olympia.

Tuy nhiên, Mạnh cũng có những nỗi lo sợ rất riêng. Nỗi lo sợ ấy không xuất phát từ sự lo lắng về sự thua cuộc mà em lo sợ bản thân thể hiện không tốt sẽ gây ảnh hưởng tới nhà trường.

"Mọi người thường cho rằng những thí sinh thi Đường lên đỉnh Olympia đều là những học sinh giỏi, xuất sắc, đại diện cho ngôi trường đó. Em chỉ lo lắng bản thân thể hiện không tốt sẽ khiến mọi người đánh giá và có cái nhìn tiêu cực về chất lượng đào tạo của trường", Mạnh chia sẻ.

Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm - 2
Lê Xuân Mạnh là thí sinh thi Olympia đầu tiên đến từ Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa (ảnh: NVCC).

Tự đánh giá về màn thể hiện trong trận thi quý vừa qua của mình, Mạnh cho rằng bản thân chuẩn bị tâm lý chưa tốt dẫn đến kết quả chưa thể hiện được hết năng lực của bản thân. Minh chứng cho điều này là việc nam sinh xứ Thanh từ vị trí dẫn đầu sau vòng thi Khởi động (vòng thi thứ nhất) đã tụt xuống vị trí thứ 2 ở vòng thi Vượt chướng ngại vật (vòng thi thứ 2). Điều này đã khiến Mạnh gặp áp lực về tâm lý và để vuột mất hai câu hỏi ở vòng thi Tăng tốc (vòng thi thứ 3).

Tuy nhiên ngay sau đó, với lối chơi tốc độ và quyết đoán của mình, Lê Xuân Mạnh đã nhanh chóng giành lại vị trí dẫn đầu sau nhiều câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, để kéo dài khoảng cách về điểm số với những thí sinh còn lại, Mạnh tham gia vòng thi Về đích (vòng thi cuối cùng) với tâm thế "không còn gì để mất".

"Khi tham gia vòng thi cuối cùng, trong đầu em vạch ra nhiều diễn biến có thể xảy ra: Nếu đối thủ của mình trả lời đúng thì khả năng thắng của mình sẽ thế nào? Nếu đối thủ trả lời sai thì khả năng thắng của mình sẽ thế nào?,… Từ đó, em tự vạch ra cho mình một chiến thuật hợp lý", Mạnh cho biết.

Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm - 3
Xuân Mạnh chụp hình cùng người thân và bạn bè sau khi kết thúc vòng thi tuần với số điểm 345 điểm kỷ lục (ảnh: NVCC).

Cụ thể, trong câu hỏi cuối cùng của cuộc thi quý vừa qua, Mạnh tính toán rằng nếu em nhường câu trả lời cho những thí sinh khác thì khả năng cao em sẽ thua trong trường hợp bạn đó trả lời đúng.

"Trong câu hỏi cuối cùng, kể cả khi em không biết câu trả lời em cũng phải bấm vì phải bấm thì em mới có cơ hội giành chiến thắng. Do đó, dù trả lời sai, em cũng không hề tiếc khi mất thêm 15 điểm", Mạnh bày tỏ.

Ngạo mạn là đặc quyền của kẻ chiến thắng?

Giành chiến thắng thuyết phục sau mỗi trận thi của mình, dù nhận được nhiều sự ủng hộ từ người thân, bạn bè, song bên cạnh đó, người chiến thắng quý 3 cũng gặp phải một số ý kiến trái chiều về phong cách ăn mừng chiến thắng của mình.

Một số cho rằng màn thể hiện của nam sinh xứ Thanh có phần "ngạo mạn" nhưng một số khác lại bày tỏ: "Ngạo mạn là đặc quyền của kẻ chiến thắng".

Đối diện với những ý kiến trái chiều, nam sinh 15 tuổi cho rằng mỗi người sẽ có một cách ăn mừng và giải tỏa tâm lý khác nhau. Tuy nhiên, ngạo mạn không bao giờ là một thái độ tốt và có thể đẩy em vào những tình huống nguy hiểm trong những cuộc thi quan trọng.

"Người ta có câu: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút đã là thừa". Phong cách chơi của em tại Đường lên đỉnh Olympia có thể khiến nhiều người cảm thấy đó là ngạo mạn, kiêu ngạo và tự kiêu.

Tuy nhiên, em vẫn luôn tôn trọng những người cùng chơi với mình, những người luôn đồng hành cùng em trong hành trình chinh phục Olympia", Mạnh chia sẻ.

Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm - 4
Xuân Mạnh chụp hình kỷ niệm tại trường quay Đường lên đỉnh Olympia (ảnh: NVCC).

Nhìn lại trận thi đấu kịch tính vừa qua, Mạnh đánh giá cả ba đối thủ của mình đều vô cùng xuất sắc, đặc biệt là Trọng Tín, người chỉ kém Mạnh 5 điểm.

Dù là người chiến thắng, nhưng Mạnh cảm nhận rằng Trọng Tín xứng đáng vào vòng chung kết hơn mình nhưng lại thiếu đi một chút may mắn trong việc giành chuông ở những câu hỏi cuối cùng.

Đối với Bảo Minh và Minh Triết, Mạnh cũng nhận xét đây là một đối thủ "đáng gờm" của mình nhưng các bạn đã chưa thể bộc lộ được hết năng lực và phong độ của bản thân.

Từ vòng thi quý để tiến tới vòng chung kết sắp tới, Lê Xuân Mạnh đang trong giai đoạn trang bị thêm kiến thức và kỹ năng trong cuộc hành trình chạm tay vào ngôi vị quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2023.

Thời gian gần đây, khi Olympia đang áp dụng thêm nhiều câu hỏi thực hành vào trong các thử thách, Mạnh cũng như bao thí sinh khác cảm thấy khó khăn và dè chừng trước dạng câu hỏi này.

Do đó, nam sinh thường tranh thủ thời gian để đọc những thí nghiệm trong sách giáo khoa, cố gắng thực hành từ những vật dụng có sẵn trong nhà và phòng thí nghiệm của trường.

"Trận chung kết sẽ khó hơn rất nhiều để thử thách bốn thí sinh xuất sắc nhất của Đường lên đỉnh Olympia. Em đang nỗ lực từng ngày để trau dồi thêm kiến thức, đặc biệt là những kiến thức mang tính thời sự, để đến với trận chung kết sắp tới", Mạnh cho biết.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nam-sinh-mang-cau-truyen-hinh-chung-ket-olympia-ve-thanh-hoa-sau-13-nam-20230706075500525.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nam-sinh-mang-cau-truyen-hinh-chung-ket-olympia-ve-thanh-hoa-sau-13-nam-20230706075500525.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nam sinh mang cầu truyền hình chung kết Olympia về Thanh Hóa sau 13 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO