Năm học mới, phụ huynh chưa hết đau đầu vì tiền mua sách vở, đồng phục, học thêm... cho con thì lại phải xoay tiền lắp điều hòa, máy chiếu, thậm chí gánh luôn khoản sơn, sửa lớp học. Với những phụ huynh không có điều kiện, các khoản đóng góp đầu năm trở thành gánh nặng.
Sao không tận dụng đồ cũ?
Năm học mới này, con trai chị Nguyễn Phương Mai (32 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vào lớp 1. Từ đầu tháng 8, dù các con chưa tựu trường nhưng phụ huynh đã nhận được yêu cầu phải đóng hơn 1 triệu đồng để lắp mới điều hòa, máy chiếu và sơn lại lớp học. Số tiền này được trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh phổ biến trong nhóm nội bộ.
Chị Mai thắc mắc, đáng lẽ, khoản tiền thuộc về mục cơ sở vật chất, ngân sách giáo dục của nhà trường sẽ chi, chứ không thể "đè đầu đè cổ" cha mẹ học sinh.
Mặc dù mang tiếng khảo sát ý kiến phụ huynh về khoản đóng góp tự nguyện này, nhưng đại diện cha mẹ học sinh luôn tự hoạch định hạn cuối phải nộp là trước khai giảng. Phụ huynh đang rơi vào thế khó không nộp không xong. Hơn thế nữa, điều phi lý khiến phụ huynh này trăn trở chính là có những lớp đã lắp điều hòa từ trước rồi, sao học sinh đầu cấp nào cũng lại phải đóng tiếp để mua thiết bị mới?
Phụ huynh này đặt nghi vấn, khi học sinh lớp 5 ra trường đều để lại máy chiếu và điều hòa cũ, tại sao trường không tận dụng để tránh lãng phí mà vẫn yêu cầu đóng tiếp. "Thiết bị dùng 5 năm liệu có hỏng đến mức không sử dụng lại được hay không? Sau khi các con hết cấp học, số vật dụng này được sử dụng vào mục đích gì?, chị nói.
Nếu nhìn nhận ở khía cạnh đóng góp để tạo môi trường học tập thuận lợi cho con sẽ chẳng có phụ huynh nào phản đối, nhưng mọi thứ nên hợp tình hợp lý, tránh lãng phí.
Cách đây 2 tuần, một phụ huynh trường Tiểu học Hữu Hoà (Thanh Trì, Hà Nội) cũng từng phản ánh việc ban đại diện cha mẹ học sinh yêu cầu lắp điều hoà, máy chiếu cho học sinh cần phải ký cam kết "tặng" lại trường. Họ băn khoăn vì sao các gia đình phải cam kết tặng lại, trong khi những tài sản này có thể để lại học sinh khóa sau sử dụng cho tiết kiệm.
Mặc dù sau đó, nhà trường lên tiếng phủ nhận thông tin, nhưng dư luận cũng trăn trở về các khoản thu trong trường học, đặc biệt là dịp đầu năm học, bởi thực tế đây không phải vụ việc duy nhất.
Méo mặt vì tiền tự nguyện
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Hồ Hằng Nga (35 tuổi, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 khu vực Văn Phú, Hà Đông cũng được nhóm phụ huynh "vận động" đóng góp 2,2 triệu đồng làm quỹ mua sắm trang thiết bị cho các con (điều hoà, máy lọc nước, rèm chắn nắng, quạt hút gió...).
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, các con sẽ vất vả nếu học trong không gian chỉ có vài cái quạt phe phẩy, không đủ để xua mồ hôi. Lắp điều hòa là hợp lý, song nên tính toán để không trở thành lạm thu.
Chị Nga lấy ví dụ từ điều hòa của gia đình, một chiếc có thể sử dụng đến chục năm, vậy mà mỗi thế hệ học sinh vào trường không sử dụng luôn những thiết bị đã lắp sẵn từ năm trước mà phải thay thế. "Hơn nữa, việc lắp mới thiết bị, nhà trường cũng được hưởng lợi là tự hào về cơ sở vật chất đầy đủ, hà cớ gì chỉ để mỗi phụ huynh oằn lưng gánh phí?"
Mỗi dịp đầu năm học, đâu đâu cũng nhắc nhiều đến chuyện "lạm thu". Bài ca "khổ lắm, biết rồi, nói mãi", nhưng loay hoay nhiều năm vẫn chưa thấy lối ra. Rõ ràng, các khoản phí này luôn nằm trong vỏ bọc mang tên xã hội hóa giáo dục, từ vài trăm đến cả triệu đồng.
"Năm nào cũng vận động đóng tiền trang bị cơ sở vật chất nọ kia đủ kiểu nhưng lại chẳng có gì thay đổi cả", chị Nga nói và cho biết trước khi thu khoản này, luôn có một bài ca ra rả "phụ huynh đóng tiền tự nguyện để các con được hưởng". Nghĩa là về lý thuyết họ có quyền đóng hoặc không đóng, nhưng thực tế lại dựa trên cơ sở bắt buộc. Có thể thấy, khoản tiền bắt buộc thì ít, mà "tự nguyện" lại khiến phụ huynh méo xệch mặt vì nặng gánh.
Một phụ huynh ở TP.HCM từng bức xúc chia sẻ chuyện trường tuyên truyền mua balo là không bắt buộc nhưng khi gia đình đến mua thì mới biết balo cũng... đồng phục. Nếu balo không có logo của trường thì bảo vệ không cho vào. Không những vậy, đồng phục cũng phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy dù phụ huynh, học sinh cho biết không đủ tiền để mua tất cả số đồng phục này.
Phụ huynh này nêu ra nhiều câu hỏi, như trong thời buổi kinh tế khó khăn, những người không có việc làm, thu nhập thấp không đủ tiền mua balo và bộ đồng phục thì con cái họ không được đi học vì bảo vệ không cho vào trường hay sao. Tại sao nhà trường lại không để học sinh sử dụng lại đồ còn dùng được mà buộc phải mua mới, liệu có "ẩn tình" gì phía sau không.
Điều hoà cũ đi đâu?
Cô Phạm Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, với những phụ huynh đang chật vật với cơm áo thì các khoản phí đầu năm trên tinh thần "tự nguyện" như lắp điều hòa, máy chiếu thật sự là gánh nặng. Hay thậm chí một số nhà có điều kiện kinh tế cũng không hài lòng khi đọc bảng phí, không phải vì họ tiếc tiền cho con hay không thương con, mà các khoản thu chưa hợp lý khiến phụ huynh càng thêm phần băn khoăn.
"Xã hội hóa là tốt, nhưng các khoản thu đầu năm cũng khiến nhiều gia đình gặp khó khăn vì không phải phụ huynh nào cũng có thu nhập tốt", cô Thủy nói và cho biết, tại đơn vị cô công tác, khi học sinh hoàn thành niên khóa, ra trường, phụ huynh thường tự nguyện đề xuất tặng lại điều hòa cho khóa học sau sử dụng.
Cô hiệu phó cho biết, các em khóa sau sẽ không phải đóng tiền lắp mới mà được hưởng lại thành quả từ khóa trước. Nhà trường cũng sử dụng kinh phí cơ sở vật chất để bảo dưỡng chứ không thu của phụ huynh.
Tương tự, một hiệu trưởng trường tiểu học tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng thừa nhận, một số trường hợp nêu ra những khoản thu vô lý theo phản ánh báo chí thời gian qua chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Tại đơn vị bà quản lý, suốt 5 năm qua, phụ huynh lớp đầu cấp không phải đóng tiền để lắp thiết bị mới. "Học sinh vào trường sẽ được sử dụng các thiết bị đã có sẵn từ khóa trước.Các em từ lớp 2 - lớp 5 cũng được bố cố định phòng học trong suốt quá trình", bà cho hay.
Vị hiệu trưởng cũng nói thêm, phụ huynh hoàn toàn có quyền chủ động đề xuất các phương án xử lý đối với các thiết bị như điều hòa, máy chiếu khi học sinh ra trường. Theo đó, cha mẹ học sinh có thể tặng lại hay thậm chí thanh lý theo thỏa thuận nội bộ, nhà trường không can thiệp đến vấn đề này.