Mỹ siết chặt quản lý hoạt động môi giới, mua bán dữ liệu cá nhân

22/11/2023 09:41

Cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ thông báo kế hoạch quản lý các công ty môi giới, theo dõi và bán dữ liệu cá nhân, một phần trong nỗ lực giám sát ngành công nghiệp này của chính phủ Tổng thống Biden.

Dữ liệu đã và đang trở thành một loại tài nguyên mới. Thống kê của MIT cho thấy, đến năm 2025 sẽ có 175 Zettabytes dữ liệu được sinh ra. Nếu mỗi USB là 1GB dữ liệu, cần có 175 nghìn tỷ USB mới lưu trữ hết được dữ liệu của thế giới. Lượng USB khổng lồ này có thể xếp vòng quanh 222 lần đường xích đạo. VietNamNet giới thiệu tuyến bài “Dữ liệu số” nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin, kiến thức về “mỏ vàng” thời kỹ thuật số này.

Bài 1: Trung Quốc loay hoay mục tiêu kép cân bằng bảo mật với thúc đẩy kinh tế dữ liệu

Theo Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) Rohit Chopra, hành vi của các nhà môi giới dữ liệu là “đặc biệt đáng lo ngại” do dữ liệu nhạy cảm có thể thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập thông tin quân nhân, những người mắc chứng mất trí nhớ và những đối tượng dễ tổn thương khác.

“CFPB sẽ tiến hành các bước để đảm bảo các công ty môi giới dữ liệu trong ngành công nghiệp giám sát biết rằng họ không thể tham gia các hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin trái phép”, Chopra cho biết.

Năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Uỷ ban Thương mại liên bang (FTC) cần có động thái bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của các phụ nữ tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, những người có thể gặp rắc rối pháp lý theo quy định của một số bang.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường giám sát hoạt động môi giới, thu thập và mua bán dữ liệu cá nhân.

FTC cũng đang tiến hành vụ kiện nhằm vào một công ty tại Idaho do bán dữ liệu định vị địa lý của điện thoại di động, cáo buộc thông tin này có thể truy ngược lại các địa điểm như phòng khám phá thai, nhà thờ hay trung tâm cai nghiện.

Trước thông báo ngày 15/8, CFPB cho hay đề xuất mới sẽ có phạm vi rộng hơn áp dụng cho những công ty hiện đang trong diện điều chỉnh của Đạo luật Báo cáo Công bằng tín dụng - bộ luật được xây dựng từ năm 1970, nhằm bảo vệ thông tin người tiêu dùng cung cấp cho bên cho vay, bao gồm lịch sử thanh toán, thu nhập cá nhân và lý lịch tư pháp.

Các quan chức cho biết một trong các mối quan tâm “đặc biệt” của họ là bảo mật dữ liệu “tín dụng” hoặc thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ và số an sinh xã hội của một số đối tượng người dùng chẳng hạn như nạn nhân của bạo lực gia đình.

Vào tháng 3, CFPB đã mở một cuộc điều tra công khai đối với những công ty và văn phòng tín dụng. Kết quả cho thấy các nhà môi giới dữ liệu đã bán thông tin những khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính cho các công ty nhắm đối tượng bằng sản phẩm ghi nợ.

Vướng vòng lao lý vì lộ dữ liệu khám thai

Năm ngoái, toà án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết Roe v.Wade mang tính bước ngoặt từng được đưa ra vào năm 1973, tạo điều kiện cho nhiều tiểu bang có thể áp dụng lệnh cấm phá thai.

Động thái này tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của những nhà hoạt động xã hội, đồng thời nêu bật nguy cơ người dùng Internet vướng vòng lao lý vì dấu vết kỹ thuật số của chính họ.

Đảo ngược phán quyết về quyền phá thai tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dấu vết kỹ thuật số có thể khiến nhiều phụ nữ bị truy tố ở một số tiểu bang.

Trong lịch sử tư pháp Mỹ, đã có trường hợp về những người phụ nữ bị truy tố các vấn đề liên quan đến mang thai, sau khi cơ quan tố tụng truy xuất lịch sử duyệt web của họ.

Năm 2018, bồi thẩm đoàn truy tố một phụ nữ ở bang Mississippi về tội giết người cấp độ hai sau khi cô ấy bị sẩy thai, dựa trên lịch sử tìm kiếm của người này.

Các công ty tư nhân có thể bán dữ liệu vị trí của phụ nữ mang thai và những thông tin này có thể bị sử dụng bởi các nhóm lobby chống phá thai để quảng cáo mục tiêu, tạo áp lực đối với những bà mẹ đang mang bầu khi họ tới phòng khám.

Trên toàn thế giới, các cơ quan thực thi pháp luật và nhà môi giới dữ liệu cá nhân thường theo dõi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, dữ liệu vị trí, mua hàng trực tuyến và lịch sử tìm kiếm để lập bản đồ và xây dựng hồ sơ đối tượng khách hàng. Tất cả các dữ liệu này đều được thu thập có hoặc không có sự đồng ý của chủ thể.

Mặc dù cơ quan thực thi pháp luật đôi khi cần có trát để truy cập khối dữ liệu đó, song những thông tin này thường được rao bán trên thị trường mở bởi các nhà môi giới dữ liệu và nền tảng quảng cáo.

Một số luật sư tại Mỹ cho biết sự kết thúc của Roe v.Wade có thể mở ra chương mới cho “chủ nghĩa tư bản giám sát” ở những khu vực rộng lớn hơn trên toàn quốc. “Nếu bạn có một cái búa, mọi thứ còn lại đều có thể là cái đinh”.

SafeGraph, công ty dữ liệu, cho biết họ đang xoá dữ liệu mô hình (Patterns) thể hiện cách người dùng tương tác với một địa điểm cụ thể, được liên kết với các trung tâm kế hoạch hoá gia đình sau khi có thông tin cho thấy dữ liệu này có thể dễ dàng được sang tay và gây ra rủi ro với khách hàng.

Trong khi đó, Google cũng thông báo cho phép người dùng giới hạn số lượng quảng cáo liên quan đến một số chủ đề nhất định, chẳng hạn như mang thai.

(Theo Reuters)

Bài 3: Thành công trong việc xây dựng dữ liệu dùng chung tại TP.HCM

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ siết chặt quản lý hoạt động môi giới, mua bán dữ liệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO