Ngày 21/4, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ tiến hành thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kể từ ngày 26/4. Đây cũng là thời điểm mà tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến được đưa vào khai thác.
1km cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ có đơn giá là 1.669 đồng. Phương tiện trong đối tượng thu phí được chia làm 5 nhóm.
Nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt) có mức thu phí thấp nhất là 81.904 đồng/49km; xe nhóm 2 gấp 1,3 lần so với nhóm 1; nhóm 3 là 1,7 lần; nhóm 4 là 2,7 lần; nhóm 5 là 3,8 lần (tương đương với giá 311.234 đồng).
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được khởi công vào năm 2021 đến tháng 5/2023 chính thức thông xe.
Theo chủ đầu tư dự án, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài hơn 49km, hiện đã đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác từ 60 đến 80km/h.
Tổng số vốn đầu tư của dự án hơn 7.600 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Sắp tới, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào vận hành, khớp nối với 4 tuyến (Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm) sẽ tạo thành đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông dài khoảng 380km, bắt đầu từ TPHCM tới Nha Trang (Khánh Hòa).
Việc khớp nối các cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Nha Trang sẽ còn 4-5h so với 8-9h như trước đây.