Các chuyên gia cho biết trong bối cảnh thị trường suy thoái kéo dài và nhà đầu tư vẫn chưa muốn chi tiền, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ bắt đầu cạn vốn.
Một số công ty sẽ buộc phải "bán rẻ" chính mình, huy động vốn mới với mức định giá thấp hơn các vòng gọi vốn trước đây. Đây là tình huống thường khiến những người sáng lập cũng như các nhà đầu tư lo ngại, vì giảm định giá đồng nghĩa với việc cổ phần của họ trong công ty giảm giá trị.
“Chưa từng có giai đoạn giảm giá trị như thế này trong hơn 20 năm", Cameron Lester, người phụ trách về đầu tư công nghệ truyền thông và viễn thông tại Jefferies, cho biết. Thậm chí, chuyên gia này cho rằng những công ty có khả năng huy động vốn với mức định giá thấp hơn trong quá khứ đã là may mắn. “Điều quan trọng là sống sót”, Lester nói.
Ai cũng phải giảm định giá
Theo công ty nghiên cứu Prequin, vào cuối năm 2022, số vòng gọi vốn giảm định giá đã đạt gần mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Và dữ liệu ban đầu của quý đầu năm nay cho thấy khoảng 7,5% trong số tất cả các vòng gọi vốn mạo hiểm ở Mỹ là giảm định giá, theo PitchBook, và con số này đang trên đà tăng.
Các tên tuổi lớn như Stripe Inc. cũng buộc phải giảm định giá để có thể gọi vốn. Ảnh: Reuters. |
Những tên tuổi lớn như công ty tài chính khổng lồ Stripe, công ty khởi nghiệp thanh toán Klarna Bank AB và công ty bảo mật Snyk đều đã phải cắt giảm định giá, và những công ty khác như Blockchain.com cũng đang theo sau.
Vòng gọi vốn giảm định giá gần như là tối kỵ với các nhà khởi nghiệp, vì đây là dấu hiệu cho thấy công ty không còn trên quỹ đạo tăng trưởng mạnh. Một vòng gọi vốn như vậy có thể quét sạch hàng triệu, đôi khi là hàng tỷ USD tài sản trên giấy tờ của những người sáng lập và nhân viên của công ty khởi nghiệp. Giảm định giá cũng gây ra tổn thất cho các nhà đầu tư, và có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ cho rằng những vòng gọi vốn như vậy là không thể tránh khỏi trong tình hình hiện nay. “Chúng tôi kỳ vọng số lượng các đợt giảm định giá, đặc biệt là vào nửa cuối năm nay, sẽ thực sự tăng lên", Kyle Stanford, nhà phân tích của PitchBook, cho biết.
Alfredo Silva, chuyên gia tại công ty luật Morrison & Foerster, cho biết ai ai cũng chờ đợi làn sóng giảm định giá sắp tới. Vào tháng 3, công ty luật này đã tổ chức một hội thảo về những vấn đề pháp lý có thể xảy ra với các vòng gọi vốn giảm định giá.
Vụ sập Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) càng làm giới đầu tư lo ngại và hạn chế đổ tiền vào khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: AP. |
Nhiều công ty tìm cách cắt giảm chi phí và vay nợ để tránh phải huy động vốn với định giá thấp, nhưng chiến thuật trì hoãn này cũng có giới hạn. Hơn 400 công ty, 1/3 trong số tất cả các công ty khởi nghiệp kỳ lân được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, đã không huy động vốn mới kể từ năm 2021, theo PitchBook.
Đây là một khoảng thời gian dài đối với một công ty khởi nghiệp chưa thu được lợi nhuận. Hầu hết công ty thường huy động vốn hàng năm hoặc 2 năm một lần, và khoảng 94% kỳ lân công nghệ không có lãi, theo PitchBook.
“Hãy thực tế và chấp nhận vòng giảm định giá", Mathias Schilling, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Headline, cho biết.
Không còn lựa chọn khác cho giới khởi nghiệp công nghệ
Một số công ty khởi nghiệp không còn cách nào khác. Stripe đã hoàn thành một thỏa thuận tài chính, trong đó công ty được định giá ở mức 50 tỷ USD, chỉ bằng một nửa mức định giá năm 2021. Đầu tháng này, công ty khởi nghiệp tập luyện Tonal Systems Inc. đã huy động vốn từ một công ty cổ phần tư nhân với mức định giá 550 triệu USD, bằng 1/3 giá trị năm 2021. Một số công ty, bao gồm Klarna, thậm chí phải giảm định giá hơn 85%.
Công ty Thụy Điển Klarna, nổi tiếng với dịch vụ mua trước trả sau, đã phải giảm định giá 85% trong vòng gọi vốn gần nhất. Ảnh: Klarna. |
Nhưng một vòng gọi vốn giảm định giá vẫn tốt hơn là không có vòng gọi vốn nào và công ty hết tiền. Đầu tư mạo hiểm vào tất cả các công ty khởi nghiệp đã giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây. Số lượng công ty khởi nghiệp huy động được tiền trong quý đầu tiên của năm 2023 ở mức thấp nhất trong 5 năm. Một ước tính nội bộ của PitchBook cho thấy rằng cứ chỉ có 1/3 nhu cầu vốn của giới khởi nghiệp đang được đáp ứng.
“Chúng ta đang ở một trong những thời điểm tồi tệ nhất trong hoạt động đầu tư mạo hiểm, với mức hoạt động thấp nhất mà chúng tôi từng thấy", Avlok Kohli, giám đốc điều hành của AngelList, công ty cung cấp các công cụ quản lý và gây quỹ cho các công ty khởi nghiệp, cho biết.
Các công ty khởi nghiệp trưởng thành chuẩn bị cho đợt chào bán lần đầu ra công chúng là nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên. Dù vậy các công ty khởi nghiệp trẻ hơn, vẫn còn nhiều năm nữa mới niêm yết, cũng sẽ sớm bị ảnh hưởng, theo Kohli, vì các nhà đầu tư hiện không muốn tốn tiền vô ích.
Các nhà đầu tư đang trở nên hoài nghi hơn và ra những điều khoản khó khăn hơn cho mọi công ty khởi nghiệp, ngay cả trong lĩnh vực đang nóng nhất hiện nay là trí tuệ nhân tạo. “Theo thống kê, nếu bạn là một công ty khởi nghiệp, bạn sẽ không thành công. Đó chỉ là toán học", Kohli nói.