Tiểu thư Hà Thành
Là con gái của cụ Đỗ Lợi, nhà thầu khoán lớn nhất Hà Nội trước năm 1930, cô Bính (tên đầy đủ là Đỗ Thị Bính) nổi tiếng là một tiểu thư xinh đẹp, thanh tú, được bố mẹ yêu chiều.
Cô sinh ra và lớn lên ở căn nhà số 37 Hàng Đẫy (nay là số 67 Nguyễn Thái Học). Để làm tôn làn da trắng sứ của mình, cô Bính thường xuyên mặc áo dài màu đen, vì thế người ta còn gọi cô là “giai nhân áo đen”.
Cưng chiều con gái, bố mẹ cô Bính mời cả thầy về dạy học cho con, thấy con kén ăn nên mời cả đầu bếp nấu cho vua Bảo Đại về nhà để làm ra “sơn hào hải vị”. Thế nhưng, cô Bính vẫn nhất quyết không chịu ăn, đặc biệt là thịt gà.
Ăn 1 miếng thịt gà được thưởng nhẫn kim cương
Vì tiểu thư kén ăn như vậy, cụ Lợi đã treo thưởng cho con ngay trong bữa ăn, “ăn miếng gà, thưởng nhẫn kim cương”. Cô Bính lại phớt lờ giải thưởng lớn khiến cụ Lợi lại tiếp tục treo thưởng cho đầu bếp nào khiến cho con gái của cụ ăn được thịt gà.
Sau khi thưởng thức món bún thang của đầu bếp của triều đình nhà Nguyễn, cô Bính mới ăn được thịt gà.
Sau này, cô Bính được cho theo học ở trường Tây nên tính cách nền nã, nhu mì công dung ngôn hạnh đủ cả. Hơn nữa, bà vốn tháo vát, nhanh nhẹn nên đã được tham gia vào công việc gia đình ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Với nhan sắc hơn người, lại biết quảng giao, thông minh nên đến tuổi cập kê, cô Bính được nhiều chàng trai để ý, muốn ngỏ ý lấy làm vợ.
Mối tình lướt qua
Trong những chàng trai “thầm thương trộm nhớ” cô Bính Hàng Đẫy, phải kể đến nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp – con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh – khi đó đang làm việc tại báo Annam Nouveau.
Mê mẩn hình ảnh người con gái xinh đẹp ngồi đọc sách, tưới cây, ngắm hoa trước cửa nhà, nam thi sĩ thường viện cớ đi ngang qua nhà để ngắm nàng.
Tuy chưa một lần thổ lộ nhưng chỉ cần lướt qua nhau, ánh mắt chạm ánh mắt là cả hai đã thấu hiểu tình ý của nhau. Trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp, hình ảnh một người con gái xinh đẹp với đôi môi đỏ luôn xuất hiện, ví dụ như trong bài “Tay ngà”, “Chùa Hương”…
Cả hai bên gia đình ai nấy đều biết nhưng gia đình nhà gái không ưng vì nhà trai không môn đăng hộ đối.
Bà tiên Hà Thành
Chồng của cô Bính sau này là kỹ sư Bùi Tường Viên – người mới đi du học Pháp về. Đám cưới của cặp đôi “trai tài gái sắc” tổ chức linh đình trong nhiều ngày.
Cuộc sống của ông bà diễn ra êm đềm, hạnh phúc, ít khi xảy ra xích mích, tranh cãi. Đến bữa ăn, bà phục vụ mâm cơm cho bố mẹ và chồng con ăn trước rồi mới ăn sau cùng. Bà chẳng mấy khi ăn hàng mà luôn gắn bó với món bún thang tuổi thơ.
Dù đã kết hôn nhưng bà Bính vẫn giữ đam mê với sách vở, tiểu thuyết. Ông Viên là người yêu thương, tôn trọng vợ. Sau này, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).
Năm 1946, giặc Pháp bắn phá ác liệt Hà Nội, gia đình bà Bính phải di tán tới Tuyên Quang. Tại đây, bà Bính phải làm rất nhiều việc để nuôi gia đình như bán bánh cuốn, bán phở, làm nước tương…, thậm chí còn học thêm cách tiêm thuốc, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người nghèo được bà con yêu mến gọi là “bà tiên Hà Thành”…